• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triều Tiên làm "nóng” thượng đỉnh Mỹ, Trung, Nga tại châu Á

Thế giới 07/11/2017 14:20

(Tổ Quốc) - Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đang ở vị thế mạnh và họ có vai trò trong cuộc khủng hoảng tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết, Tổng thống Donald Trump trong tuần này sẽ gặp hai nhà lãnh đạo quyền lực trên thế giới từ Trung Quốc và Nga. Sẽ có nhiều điều để thảo luận, nhưng một mục tiêu quan trọng là: giải quyết vấn đề xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

Theo tờ báo này, đã có thể là quá muộn để hoàn toàn đảo ngược tham vọng hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên 33 tuổi Kim Jong Un. Tuy nhiên, nếu những chiến lược này có thể bị hạn chế, thì Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin là 3 người duy nhất có thể hoàn thành điều này và hiện tại có thể là thời gian cuối để hành động.

Chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên là vấn đề trọng tâm trong chuyến công du châu Á của ông Trump. (Nguồn: AP)

Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin ở vị thế mạnh

Trong các cuộc họp riêng biệt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại các chặng dừng khác nhau trong chuyến công du châu Á, ông Trump sẽ gặp họ khi đang nắm giữ vị thế mạnh. Ông Tập 64 tuổi vừa kết thúc chương trình Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp tục được bầu giữ chức vụ cao nhất của đất nước và "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa Xã  hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" được xác lập.

Ông Putin, 65 tuổi, đã từng nắm giữ cả cương vị Tổng thống và Thủ tướng của Nga từ năm 2000. Ông Putin được kì vọng sẽ ứng cử vào chức vụ Tổng thống Nga thêm một nhiệm kỳ mới và nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga, so với bất kỳ quốc gia nào khác, có vai trò và nhiều trách nhiệm hơn đối với việc ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hai nước này đã từng hỗ trợ về mặt quân sự cho Triều Tiên và nay cũng đang là đối tác thương mại của Bình Nhưỡng. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA ước tính Triều Tiên đang gửi 85% lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và nhận 90% lượng hàng nhập khẩu từ đó. Và trong khi Trung Quốc gần đây bắt đầu tăng cường giảm xuất khẩu dầu sang Triều Tiên, Nga đã giúp lấp đầy khoảng cách này, WSJ cho hay.

Trước đó chiến lược của ông Trump đã dấy lên nhiều khó đoán do ông có thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn Triều Tiên, bao gồm cả hành động quân sự. Tổng thống Trump cũng đã thúc đẩy Liên hợp quốc đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm gia tăng sức ép đối với ông Kim Jong un.

Những biện pháp này có thể có hiệu quả xét theo các khía cạnh nhất định. Trung Quốc dường như, có lẽ là lần đầu tiên, thực sự đang kiềm chế thương mại với Triều Tiên để nâng cao mức “giá phải trả” cho ông Kim về chương trình hạt nhân. Chắc chắn Trung Quốc có nhiều lý do để làm như vậy. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra chiến lược mở rộng vị thế hàng đầu về kinh tế của Bắc Kinh trên khắp châu Á với các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và quan hệ đối tác. Và một cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên có thể ảnh hưởng đến con đường thực hiện Giấc mơ Trung Hoa.

Lo ngại hiện nay là Triều Tiên nhờ Nga hỗ trợ. Stephen Hadley, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush nói: "Trung Quốc càng tăng sức ép về Triều Tiên thì càng có nhiều khả năng Triều Tiên quay sang Nga. "Tôi không nghĩ rằng [Nga và chính quyền Tổng thống Trump] đứng cùng một lập trường (về vấn đề Triều Tiên) vào thời điểm này, và đó là lý do tại sao tôi nghĩ điều quan trọng là ông Trump cần tập trung vào cả ông Tập và ông Putin."

Mục tiêu cụ thể về Triều Tiên

Vì vậy, cần xem xét rằng liệu các cuộc hội đàm này có xúc tiến được một thỏa thuận nhằm gây áp lực thực sự và lâu dài về kinh tế đối với Triều Tiên hay không. Và mục tiêu rộng hơn là gì? Cho đến nay, Trung Quốc và Nga đã đề xuất một kế hoạch "đóng băng kép", trong đó Triều Tiên sẽ đóng băng chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc Hoa Kỳ và Hàn Quốc dừng tập trận chung. Tuy nhiên, Mỹ không đồng ý với kế hoạch này.

Về mặt kỹ thuật, ít nhất, Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng có cùng mục tiêu dài hạn, đó là bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Dù vậy, ngày càng có nhiều câu hỏi rằng liệu mục tiêu này có thể thành hiện thực được hay không. Tuy nhiên, giả định rằng mục tiêu này sẽ thực hiện được thì chỉ có một cách để bắt đầu con đường dẫn đến nó: cam kết ngoại giao trong việc thảo luận về vấn đề này.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã liên tục ra tín hiệu sẵn lòng nói chuyện với Triều Tiên. Ông Trump đã làm như vậy vào cuối tuần này, nhắc lại rằng ông sẽ sẵn sàng gặp ông Kim riêng tư vào thời điểm phù hợp.

Triều Tiên vẫn từ chối và dường như muốn chờ đến khi họ đạt được thành công trong chế tạo đầu đạn hạt nhân có thể gắn vào tên lửa có thể tiếp cận lục địa Mỹ, chẳng hạn như Chicago, trước khi đồng ý thảo luận. Điều này là một trở ngại cho ngoại giao và đây là điều ông Trump, ông Tập và ông Putin có thể nỗ lực vượt qua trong tuần này.

(Theo WSJ)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ