• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

WMO gợi ý cảnh báo sớm nhằm ứng phó với khí hậu cực đoan

Thế giới 26/04/2024 20:31

(Tổ Quốc) - Các nước Châu Á đã đối mặt với nhiều thiên tai nhất thế giới vào năm 2023 khi các mối đe dọa về thời tiết và khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng trong bối cảnh trái đất nóng lên.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cơ quan thời tiết của Liên Hợp Quốc, châu Á đã chịu nhiều thiên tai mạnh nhất thế giới vào năm 2023 khi các mối đe dọa về thời tiết và khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng trong bối cảnh trái đất nóng lên.

WMO gợi ý cảnh báo sớm nhằm ứng phó với khí hậu cực đoan - Ảnh 1.

Châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa khí hậu. Ảnh: Sarote Pruksachat | Moment | Getty Images

Trong một báo cáo công bố tuần này, Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cho biết nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua năm 2023 nóng kỷ lục, cùng với hàng loạt điều kiện khắc nghiệt, từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và bão.

Hơn 9 triệu người dân ở châu lục này đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và bão, ghi nhận hơn 2.000 người tử vong. Trong khi đó, xu hướng gia tăng các đợt nắng nóng trong khu vực vẫn tiếp tục trong thời gian tới.

"Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những sự kiện như vậy, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống của con người", Tổng thư ký WMO Celeste Saulo nói thêm.

Báo cáo của WMO đã cảnh báo rằng các chỉ số quan trọng về biến đổi khí hậu, như nhiệt độ bề mặt, băng tan và mực nước biển dâng, cảnh báo tình trạng ngày càng tồi tệ và đặt ra nhu cầu phòng ngừa rủi ro thiên tai cần thiết ở châu Á.

Nhiệt độ tăng cao, lượng mưa biến động

Năm 2023, nhiệt độ trung bình ở châu Á ghi nhận cao thứ hai trên thế giới.

Theo báo cáo của WMO, với xu hướng ấm lên gần như tăng gấp đôi kể từ giai đoạn 1960–1990, châu Á đang nóng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu khi số thương vong và thiệt hại kinh tế ngày càng tăng.

Báo cáo cũng cho thấy nhiệt độ đặc biệt cao vào năm ngoái ở các khu vực từ Tây Siberia đến Trung Á và từ miền Đông Trung Quốc đến Nhật Bản, trong khi các quốc gia như Nhật Bản và Kazakhstan phải hứng chịu mức nắng nóng kỷ lục.

Theo báo cáo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA), nhiệt độ tăng có liên quan đến sự thay đổi lượng mưa và tần suất gia tăng của hạn hán cũng như hiện tượng nước cực đoan. Trong khi đó, một số nhà khoa học khác cũng nhắc đến tình trạng khô hạn kéo dài có thể gây ra lũ lụt khi mưa lớn xảy ra.

WMO lưu ý hầu hết các nước châu Á phải hứng chịu tình trạng thiếu mưa đáng kể vào năm 2023, trong đó có nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến lượng mưa lớn và lũ lụt.

Theo một báo cáo gần đây, lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc và hạn hán ở Ấn Độ trong năm 2023 đã gây ra phần lớn thiệt hại kinh tế trị giá 65 tỷ USD cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm ngoái.

Lũ lụt lớn tấn công miền bắc Trung Quốc vào tháng 7/2023 và thủ đô Bắc Kinh đã ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 140 năm. Cùng lúc đó, phía Tây Nam Trung Quốc phải hứng chịu hạn hán kéo dài với lượng mưa dưới mức bình thường gần như hàng tháng trong năm 2023.

Hay Ấn Độ cũng hứng chịu lũ lụt và hạn hán, với mức độ hạn hán đạt mức chưa từng thấy vào tháng 8 - tháng nóng nhất thế giới từng được ghi nhận vào năm 2023. Nước này cũng chứng kiến các đợt nắng nóng vào tháng 4 và tháng 6 khiến hơn 100 người tử vong do say nắng.

Báo cáo của WMO lưu ý rằng việc thiếu lượng mưa cũng có thể gây ra những tác động bất lợi đến nguồn nước uống, nông nghiệp, công nghiệp và thủy điện.

Cần sự chuẩn bị tốt hơn

WMO đã kêu gọi các quốc gia châu Á cần chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với khí hậu cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới.

Các tác giả của báo cáo nhấn mạnh dữ liệu xác nhận sự cần thiết của hệ thống cảnh báo sớm về thời tiết khắc nghiệt và giảm thiểu rủi ro thiên tai nhiều hơn, cũng như giảm tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra trong tương lai.

Châu Á đã hứng chịu 3.612 thảm họa thiên nhiên từ năm 1970 đến năm 2021, gây thiệt hại kinh tế 1,4 nghìn tỷ USD và gần một triệu người tử vong - chiếm 47% tổng số ca tử vong toàn cầu do thiên tai trong cùng thời kỳ.

Trong bài phát biểu năm 1985 trước Quốc hội Mỹ về biến đổi khí hậu, nhà vật lý thiên văn Carl Sagan từng kêu gọi các quốc gia phải chuẩn bị cho quá trình trao đổi lợi ích, cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu hiện nay.

Vì vậy, sau các đợt nắng nóng kỷ lục, giới quan sát cho rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo châu Á phải lưu ý đến cảnh báo này và cùng nhau đi đến hợp tác trên một nền tảng chung ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu khắc nghiệt trong thời gian tới.

Theo WMO, thiệt hại do thảm họa gây ra có thể giảm 30% nếu cảnh báo sớm được đưa ra trong vòng 24 giờ.

"Những phát hiện của báo cáo được cho là tỉnh táo. Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng, nơi tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người", bà Celeste Saulo nói thêm.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ