• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các chuyên gia kinh tế đưa ra chỉ số quan trọng cho kinh tế Mỹ trong năm 2022

Thế giới 05/01/2022 15:04

(Tổ Quốc) - Các chuyên gia kinh tế đang đưa ra ba chỉ số quan trọng bao gồm lạm phát, sự tham gia lao động và mức lương thực tế để kiểm soát nền kinh tế Mỹ trong năm 2022.

Lạm phát tiếp tục tăng

Ông Veronika Dolar – Trợ lý giáo sư kinh tế của trường Đại học SUNY Old Westbury cho rằng, người Mỹ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp đã cảm nhận được áp lực của giá cả leo thang trong những tháng gần đây. Người tiêu dùng ở Mỹ đang phải trả nhiều tiền hơn cho hầu như tất cả các mặt hàng từ tiêu dùng đến nhiên liệu khi tốc độ tăng giá được đánh giá cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Các chuyên gia kinh tế đưa ra các chỉ số quan trọng cho kinh tế Mỹ trong năm 2022 - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Lạm phát vẫn gia tăng trong thời gian gần đây, khi giá cả tiếp tục tăng mạnh đối với hàng hóa và dịch vụ. Lạm phát cũng làm "xói mòn" sức mua của người tiêu dùng và giá trị tiền mặt, làm giảm thu nhập thực tế của người dân.

Một nền kinh tế hiện đại có hàng triệu hàng hóa và dịch vụ, trong đó giá cả dao động theo nguồn cung và cầu.

Các nhà kinh tế học cho rằng có nhiều cách để đo lường lạm phát, từ chỉ số giá tiêu dùng phổ biến đến chỉ số giảm phát tổng sản phẩm quốc nội.

"Như chúng ta thấy, gần đây tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua, trong đó chỉ số tiêu dùng CPI tăng 6,8% vào tháng 11/2021 so với một năm trước. Điều đó cho chúng ta cái nhìn rộng hơn về chỉ số giá tiêu dùng", ông Veronika Dolar – Trợ lý giáo sư kinh tế của trường Đại học SUNY Old Westbury cho biết.

Nhiều nhà kinh tế và Cục Dự trữ liên bang Mỹ đều thích sử dụng chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi, không bao gồm năng lượng và thực phẩm. Bởi vì giá thực phẩm và nhiên liệu thường xuyên biến động ngay cả khi nhu cầu đã ổn định nên các nhà hoạch định chính sách đã loại trừ hai yếu tố này để có thể tìm hiểu dễ dàng hơn về diễn biến của nền kinh tế.

Các nhà kinh tế cho rằng cần theo dõi chặt chẽ chỉ số giá tiêu dùng chính trong năm 2022 để các nhà kinh tế tiếp tục có thể đưa ra các dự đoán và điều chỉnh.

"CPI sẽ tiếp tục cho chúng ta biết nhiều hơn về tình hình kinh tế Mỹ và việc FED tăng lãi suất nhanh ra sao", ông Veronika Dolar nhận định.

Lực lượng lao động Mỹ

Ông Marlon Williams, Trợ lý giáo sư kinh tế của Đại học Dayton lại cho rằng, tỷ lệ tham gia của lực lượng lao động không phải là một trong ba chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng nhưng có vai trò quan trọng khi đánh giá nền kinh tế. Theo ông Williams, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chủ yếu xem xét đối tượng từ 16 tuổi trở lên. Phép đo này cho chúng ta biết chính xác hơn về tỷ lệ dân số đang trong độ tuổi sẵn sàng làm việc.

Vào đầu những năm 2000 cho đến khi trước đại dịch xảy ra, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm dần và giữ mức 63% vào cuối năm 2019. Tỷ lệ này tiếp tục giảm đáng kể trong tháng 4/2020 khi Mỹ thực hiện phong tỏa để ngăn chặn mức độ lây lan nhanh chóng của Covid-19.

Mặc dù tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động đã hồi phục nhưng dự báo có thể tiếp tục giảm xuống dưới 62% do sự kết hợp của nhiều yếu tố gây ra hoặc mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Trong khi các nhà kinh tế không xác định tỷ lệ tham gia cụ thể nhưng một số người vẫn tin rằng việc giảm đột ngột tỷ lệ lao động đáng kể sẽ mang lại thách thức cho quá trình vận hành của một nền kinh tế. Cụ thể, việc giảm đi nhanh chóng nguồn lực lao động sản xuất sẽ không thể dễ dàng hoặc nhanh chóng bù đắp được đối với nền kinh tế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng lạm phát gần đây, chưa kể đến các vấn đề chuỗi cung ứng mà nền kinh tế toàn cầu hiện đang gặp phải.

Nếu tỷ lệ này không tăng lên như mức trước đại dịch thì trong một hoặc hai năm tới, dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao đồng thời tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục diễn ra.

Mức lương thực tế

Melanie Long, Trợ lý giáo sư kinh tế, Đại học Wooster đề cập đến vấn đề chi tiêu và thu nhập của người dân Mỹ trong năm 2022.

"Tôi sẽ tiếp tục theo dõi thu nhập trung bình hàng tuần thông thường của người dân Mỹ trong năm 2022 để đánh giá các tác động đến quá trình hồi phục kinh tế", bà Melanie nhấn mạnh.

Nhìn chung, dữ liệu hiện tại chỉ cho thấy số tiền lương trước thuế mà người Mỹ nhận được hàng tuần chứ không phải mức trung bình. Bất kỳ ai quản lý ngân sách đều hiểu rằng số tiền kiếm được chỉ là một nửa câu chuyện. Giá cả cũng quan trọng. Thu nhập hàng tuần thực tế được điều chỉnh dựa trên giá của hàng tiêu dùng.

Giá cao hơn có nghĩa là các gia đình có thể phải mua ít hơn và thu nhập thực tế của họ sẽ giảm.

Hiện tại, theo Melanie Long, mức lương có thể tăng trở lại đối với một số đối tượng lao động. Chẳng hạn, những người làm trong ngành dịch vụ đã phải bỏ việc và tìm công việc khác có thể sẽ được hưởng mức lương cao hơn. Tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra khiến một số công ty buộc phải tăng lương để giữ người ở lại.

Các nhà kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng một số nhà tuyển dụng buộc phải tăng lương để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Các nhà kinh tế gọi đây là vòng xoáy tiền lương và giá cả nhưng nếu vượt khỏi tầm kiểm soát có thể dẫn đến lạm phát đình trệ, nghĩa là chậm tăng trưởng, lạm phát cao hoặc có thể tồi tệ hơn thế.

Vì vậy, định hướng thu nhập thực tế trong năm 2022 sẽ tác động lớn đến chi tiêu của các gia đình và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 70% hoạt động kinh tế của Mỹ vào mỗi năm.

"Tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao mức độ cạnh tranh giữa việc tăng giá tiêu dùng và mức độ tăng lương ở Mỹ đối với quá trình phục hồi kinh tế mong manh sau đại dịch", bà Melanie Long nói./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ