• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ASEAN và Australia đứng trước nhu cầu tăng cường hợp tác xanh

Thế giới 05/04/2024 16:24

(Tổ Quốc) - Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN- Australia diễn ra vào tháng trước tại Melbourne đã tạo tiền đề cho một chương mới thúc đẩy phát triển xanh trong mối quan hệ song phương thông qua hợp tác các hoạt động kinh tế tiên tiến và bền vững về công nghệ.

Theo Nikkei Asia, thương mại hai chiều giữa ASEAN và Australia đã đạt 178 tỷ đô la Australia (116 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 42% so với một năm trước đó và vượt khối lượng thương mại của Australia với Nhật Bản, Mỹ hoặc Liên minh châu Âu.

ASEAN và Australia đứng trước nhu cầu tăng cường hợp tác xanh - Ảnh 1.

Trang trại gió Infigen Energy cách thủ đô Canberra của Australia 50 km về phía Bắc: Sự thành thạo về năng lượng tái tạo của Australia có thể trở thành tài sản then chốt cho quá trình chuyển đổi khí hậu của ASEAN. Ảnh: Reuter

Sự tăng trưởng nhanh chóng này được thúc đẩy một phần nhờ vào quá trình nâng cấp Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand vào năm 2010 cũng như quá trình triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực mà cả hai bên đều tham gia vào năm 2022.

Ở bối cảnh hiện tại, Australia cùng với 4 trong số 10 thành viên ASEAN đang là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hiệp định này có thể thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại.

Tốc độ xuất khẩu của ASEAN sang Australia có dư địa tăng trưởng đáng kể. Theo số liệu của chính phủ, vào năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của ASEAN sang Hồng Kông (Trung Quốc) ghi nhận gấp đôi so với Australia. Dầu, cả dầu thô và tinh chế, cũng chỉ chiếm khoảng 1/3 lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu từ ASEAN sang Australia.

Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu đang phát triển và dân số trẻ của ASEAN đã và đang tạo ra một thị trường sinh lợi cho hàng hóa và dịch vụ của Australia, mặc dù xuất khẩu của nước này sang khu vực ASEAN vẫn chủ yếu là các mặt hàng như khí đốt tự nhiên, than đá và lúa mì.

Trong bối cảnh cả Australia và các nước ASEAN đang tìm kiếm một con đường xanh hơn thì tầm quan trọng của dầu khí trong thương mại song phương có thể sẽ giảm đi trong tương lai. Và sự thành thạo về năng lượng tái tạo của Australia khi đó có thể mang ý nghĩa mới như một tài sản then chốt giúp cho quá trình chuyển đổi khí hậu của ASEAN.

Các sáng kiến hợp tác có thể bao gồm chuyển giao công nghệ sạch và xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững. Australia có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo lực lượng lao động của ASEAN để trang bị cho người lao động đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp carbon thấp, sẵn sàng cho tương lai.

Tăng cường hợp tác giữa Australia với ASEAN

Hợp tác về thực hành khai thác bền vững và quản lý môi trường liên quan đến khoáng sản và kim loại quan trọng có thể tăng cường chuỗi cung ứng cho công nghệ carbon thấp và thúc đẩy trữ lượng địa chất phong phú của cả Australia và các nước ASEAN.

Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 3/2024, Singapore và Australia đã chính thức hóa một bản ghi nhớ nhằm tạo Hành lang vận chuyển xanh và kỹ thuật số giữa hai nước. Hiệp ước cam kết cả hai sẽ hợp tác cùng nhau để khám phá các cơ hội phát triển chuỗi cung ứng nhiên liệu không phát thải hoặc gần như không phát thải cho ngành vận tải biển và xem xét trao đổi thông tin kỹ thuật số để tăng tốc độ thông quan cảng.

Năm ngoái, Australia cũng đã triển khai chương trình Đối tác Cơ sở hạ tầng và Khí hậu trị giá 200 triệu đô la với Indonesia, theo đó Canberra đang giúp tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của nước láng giềng. Trong khoảng thời gian 5 năm tới, khoản tài trợ này sẽ hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tập trung vào khí hậu và năng lượng sạch ở Indonesia, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, hỗ trợ kỹ thuật và các chương trình khác.

Cũng vào năm ngoái, Australia đã đồng ý cung cấp 105 triệu đô la để đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và quy hoạch cơ sở hạ tầng bền vững ở Việt Nam, đồng thời triển khai Chương trình Kinh tế Xanh song phương để thúc đẩy hợp tác và phát triển với sự tham gia của khu vực tư nhân. Những sáng kiến đột phá này có thể được nhân rộng với các thành viên ASEAN khác trong những năm tới.

Ở quy mô lớn hơn, Thủ tướng Anthony Albanese đã công bố Quỹ tài trợ đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ đô la Australia nhằm hỗ trợ các dự án chuyển đổi cơ sở hạ tầng và nền kinh tế xanh.

Cơ sở này sẽ cung cấp các khoản vay, bảo lãnh, vốn chủ sở hữu và bảo hiểm cho các dự án được coi là thúc đẩy thương mại và đầu tư của Australia vào Đông Nam Á. Thủ tướng Albanese cho biết chính phủ cũng sẽ bổ sung 140 triệu đô la Australia vào Chương trình Đối tác Cơ sở hạ tầng, nhằm hỗ trợ các chính phủ ASEAN trong các lĩnh vực như lập kế hoạch và mua sắm.

Đáng chú ý, mối quan hệ văn hóa-xã hội giữa Australia và ASEAN cũng có thể được làm sâu sắc hơn. Kết nối giữa con người với con người, đặc biệt là trong giới trẻ, có thể được tăng cường thông qua các chương trình giáo dục và trao đổi đa dạng như Kế hoạch Colombo Mới, cung cấp viện trợ cho sinh viên Australia học tập và thực tập tại các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và Học bổng Giải thưởng Australia nhằm hỗ trợ Sinh viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương học tập tại Australia.

Ngoài ra, hợp tác chính trị và an ninh cũng ngày càng có ý nghĩa. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng trước, Ngoại trưởng Australia Penny Wong tuyên bố chính phủ của bà sẽ đầu tư 64 triệu đô la Australia trong 4 năm tới để tăng cường hợp tác hàng hải với các nước ASEAN.

Lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia sẽ mang đến cho cơ hội cho cả ASEAN và Australia hợp tác chặt chẽ hơn vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong và ngoài khu vực. Sự tham gia liên tục của người Australia và công dân ASEAN sẽ rất quan trọng để duy trì hợp tác, tạo điều kiện trao đổi và hiện thực hóa lợi ích chung./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ