• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn

14/02/2018 07:36

(Cinet)- Cùng với vẻ duyên dáng đầy quyến rũ của tự nhiên được điểm xuyết một cách tinh tế bởi sắc hồng của hoa đào, sắc tím hoa tam giác mạch và mầu vàng rực rỡ của hoa cải ở những thung lũng nhỏ, chen vào các khe đá, dưới mái hiên nhà... mùa xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn còn được tô điểm bởi sự đa dạng sắc màu văn hóa của cộng đồng người nơi đây.

(Cinet)- Cùng với vẻ duyên dáng đầy quyến rũ của tự nhiên được điểm xuyết một cách tinh tế bởi sắc hồng của hoa đào, sắc tím hoa tam giác mạch và mầu vàng rực rỡ của hoa cải ở những thung lũng nhỏ, chen vào các khe đá, dưới mái hiên nhà... mùa xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn còn được tô điểm bởi sự đa dạng sắc màu văn hóa của cộng đồng người nơi đây.



Dấu hiệu mùa xuân



Khi những đợt rét khắc nghiệt của mùa đông đang dần nhường chỗ cho không khí ấm áp của mùa xuân, con người sẽ bị đắm chìm trong cảm xúc bởi những đổi thay của đất trời, của thiên nhiên. Với đồng bào của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, khi hoa mận, hoa mơ, hoa đào đua nhau khoe sắc bên sườn núi, ấy là lúc mùa xuân đang về.

Phụ nữ dân tộc Lô Lô.



Mùa xuân ở cao nguyên đá Đồng Văn không trắng toát tinh khôi sắc trắng hoa mận nở khắp núi rừng như mùa xuân trắng Bắc Hà hay Mộc Châu. Mùa xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn được điểm xuyết một cách tinh tế bởi sắc hồng của hoa đào, sắc tím hoa tam giác mạch và mầu vàng rực rỡ của hoa cải ở những thung lũng nhỏ. Hoa nở trong các khe đá, trên mái nhà, trên các bờ rào đá và ở trong mỗi khu vườn, hoa mang sắc màu ấm áp, dịu dàng như đôi má hây hây hồng của thiếu nữ vùng cao. Tất cả những sắc mầu ấy hòa quyện vào nhau, phủ lên sắc xám xanh của cao nguyên đá Đồng Văn một sắc màu mùa xuân ấm áp.



Mùa xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn còn được tô điểm bởi sự đa dạng sắc màu văn hóa của cộng đồng người Lô Lô, Mông, Dao, Tày… Vẻ đẹp tự nhiên, rực rỡ trên váy áo, trên những chiếc khăn thêu của thiếu nữ rực rỡ sắc màu hay tiếng khèn bổng trầm, dìu dặt, như kể lể câu chuyện yêu đương của các chàng trai, cô gái khi đến hội xuân khiến bất cứ ai cũng phải xao lòng.



Vui tết cùng đồng bào Lô Lô



Bản Lô Lô Chải ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú - bản dân định cư lâu đời nhất ở vùng đất địa đầu Cực bắc được xem là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với cao nguyên Đá Đồng Văn. Giữa núi rừng trùng điệp nơi biên cương với ngập tràn những cây đào, mận đua nhau khoe sắc, tạo thành bức tranh huyền ảo ngày đầu xuân, phong tục đón tết cổ truyền độc đáo của đồng bào nơi đây cũng thu hút sự tò mò, háo hức của du khách.



Người Lô Lô ở Lũng Cú chuẩn bị đón tết từ ngày 28 - 29 tháng Chạp, các gia đình quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Chiều 30 Tết là ngày “niêm phong” cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, xẻng, dao, rựa, cày, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để “nghỉ Tết”. Trong những ngày này, không ai được chạm đến hay di chuyển chúng đi nơi khác.



Theo phong tục, người Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng lợn kêu, chó sủa, náo nhiệt cả bản.



Người Lô Lô có phong tục “trộm lộc” đầu năm rất thú vị. Sau thời khắc giao thừa, nếu gia đình nào có người đi “trộm” được đồ của nhà khác mang về thì cả năm đó gia đình sẽ may mắn, khỏe mạnh, mùa màng, gia súc đủ đầy. Nếu lấy được đồ trong bếp nhà khác thì lại càng may mắn. Và đồ “lấy trộm” không phải đồ có giá trị, chỉ mang ý nghĩa tâm linh, hình thức nên những gia đình “bị trộm” cũng không có thiệt hại gì.



Khi “lấy trộm”, nếu bị chủ nhà phát hiện thì những thứ đã cầm trên tay sẽ được giữ lại, rồi cứ trừ đi 12 tháng, những tháng nào còn thiếu thì đến đầu tháng, gia đình người đi “lấy trộm” sẽ phải cúng “làm lý”, giải xui cho cả gia đình. Còn chủ nhà khi bắt được người “trộm” lộc sẽ “xử trộm” bằng cách bắt cúi xuống, dơ mông bên bếp lửa và đá nhẹ vào mông vài cái, tương ứng với số lượng đồ bị lấy để “làm lý”, sau đó mời “kẻ trộm” vào nhà uống rượu mừng năm mới.



Ngày xuân tới thăm cao nguyên đá Đồng Văn, thăm cột cờ Lũng Cú, dừng chân nghỉ lại ở bản Lô Lô Chải, cùng trải nghiệm tìm hiểu phong tục đón tết truyền của người Lô Lô lại càng thêm yêu quý mảnh đất, con người nơi địa đầu Tổ quốc.





Vũ Nguyên

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ