• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Về miền gạo trắng, nước trong

01/10/2017 07:09

(Cinet)- Có dịp ghé thăm Cần Thơ, một thành phố lớn nhất khu vực miền Tây, du khách sẽ thấy lưu luyến không muốn dời như câu ca dao “Cần Thơ gạo trắng nước trong - Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

(Cinet)- Có dịp ghé thăm Cần Thơ, một thành phố lớn nhất khu vực miền Tây, du khách sẽ thấy lưu luyến không muốn dời như câu ca dao “Cần Thơ gạo trắng nước trong - Ai đi đến đó lòng không muốn về”.



Thăm bến Ninh Kiều



Ninh Kiều là địa danh đáng tự hào của những người Cần Thơ mỗi khi nhắc đến. Bến Ninh Kiều xưa vốn là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Năm 1876, quân Pháp chiếm Cần Thơ, bến sông được xây gạch, đá dọc theo bờ để ngăn sóng và trở thành bến tàu của xứ lục tỉnh.



Bến sông được người Pháp đặt tên là Quai de Commerce (bến Thương mại), còn người dân thì gọi với cái tên dân dã là bến Hàng Dương vì dọc bờ sông có hàng cây dương rất đẹp. Năm 1957, Tỉnh trưởng Cần Thơ lúc bấy giờ là Đỗ Văn Chước đã cho lập tại bến Hàng Dương một bến dạo mát và công viên cây cảnh. Sau đó, Đỗ Văn Chước trình lên Ngô Đình Diệm (tổng thống của Việt Nam cộng hòa) xin đặt tên công viên và bến dạo mát là Ninh Kiều.

Bến Ninh Kiều. Ảnh Duy Văn

Ngày nay, bến Ninh Kiều được đầu tư để trở thành công viên du lịch, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách. Trong công viên còn có bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 7,2m, đặt trên bệ cao 3,6m, trọng lượng hơn 12 tấn. Đứng ở bến Ninh Kiều, du khách có thể nhìn thấy cầu Cần Thơ - cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á vào thời điểm hoàn thành (4/2010).



Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm dịch vụ du thuyền vào buổi tối trên bến Ninh Kiều và thưởng thức các món đặc sản cũng như những tiết mục văn nghệ đặc sắc đậm chất Nam Bộ để cảm nhận hết vẻ đẹp của vùng sông nước miền Tây.



Chợ nổi Cái Răng



Chợ nổi Cái Răng là một khu chợ rất nổi tiếng ở vùng sông nước miền Tây. Bất cứ du khách nào khi đến Cần Thơ cũng đều ghé thăm chợ nổi Cái Răng. Đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết về đất Tây Đô này.



Ấn tượng đầu tiên khi đến chợ nổi Cái Răng là cảnh thuyền bè tấp nập trên sông, buôn bán nhộn nhịp. Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Trước mỗi ghe hàng, thường có một cây sào chống, trên đó treo loại mặt hàng mà ghe có. Nhờ vậy mà từ xa, người mua có thể nhận ra thuyền chở loại hàng mình cần mà ghé tới.

Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Duy Văn

Đi chợ nổi Cái Răng thích nhất là gặp cảnh thương hồ giao hàng: người bán đứng trên ghe lớn giao từng túi, giỏ hàng… cho thuyền nhỏ. Kẻ chuyền, người nhận nhịp nhàng, trông thật điệu nghệ.



Đến với chợ nổi Cái Răng, du khách được trải nghiệm một cảm giác rất mới lạ và đầy thú vị về khu chợ nổi trên sông, nơi mà mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt đời sống của con người diễn ra sôi động và bình dị trên sông nước. Bên cạnh đó, du khách còn được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu, hít thở những làn gió mát rượi, tinh tươm vào buổi sớm mai.



Đặc biệt là những cô gái miền Tây trong chiếc áo bà ba thướt tha duyên dáng chèo thuyền trên sông bán hàng với chất giọng ngọt ngào khiến du khách không khỏi xao xuyến khi ra về.



Độc đáo nhà cổ Bình Thủy



Nhà cổ Bình Thủy là một công trình kiến trúc có giá trị được xây dựng năm 1870 theo kiến trúc kiểu Pháp, thuộc gia đình họ Dương, nay dùng làm phủ thờ. Đây là ngôi nhà cổ đặc sắc về kiến trúc, sự tinh xảo trong nghệ thuật chạm khắc của người xưa và nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa, sinh hoạt sông nước miền Tây Nam Bộ. Dù đã trải qua hai cuộc chiến tranh, nhất là sự xâm hại của thời gian, nhưng ngôi nhà cổ gần 150 năm tuổi vẫn giữ được khá nguyên vẹn, trở thành điểm đến của du khách khi tới Cần Thơ.



Ngôi nhà nổi bật trong ánh sáng mặt trời với lối kiến trúc kiểu Pháp tinh tế gồm 5 gian 2 mái. Nền nhà cao trên 1m so với mặt sân được bó vỉa bằng đá xanh. Nhà rộng thênh thang với 6 hàng 24 chiếc cột gỗ lim đen bóng, đường kính khoảng 30cm. Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi. Khi xây dựng, để chống mối mọt và giữ độ lạnh cho ngôi nhà, chủ nhân đã cho rải đều bên dưới nền gạch một lớp muối hột dày hơn 10cm. Cùng với hệ thống cửa và cửa sổ thoáng đãng nên dù trời nắng mà trong nhà vẫn rất mát mẻ.

Nhà cổ Bình Thủy. Ảnh: Duy Văn

Bên ngoài căn nhà là bốn bậc thang hình cánh cung tao nhã cùng với trần cao, trang trí hoa văn hài hoà, mở nhiều cửa lớn nhỏ như tôn thêm vẻ quí phái cho ngôi nhà cổ. Điểm xuyến thêm vào vẻ đẹp đó là các phù điêu đắp nổi được trang trí bên ngoài mặt tiền. Tất cả đều toát lên vẻ đẹp sang trọng của một căn nhà lúc giao thời giữa hai thế kỷ.



Với những giá trị riêng có, năm 2009, Nhà cổ Bình Thủy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.



Ấn tượng vườn cò Bằng Lăng



Để vào được vườn cò, du khách phải đi bằng thuyền. Nếu tham quan vào mùa xuân, du khách sẽ được thấy hoa bằng lăng nở rộ, tím ngắt hai bên bờ sông. Thấp thoáng xa xa là vườn cò rộng mênh mông...



Đến vườn cò Bằng Lăng, du khách sẽ thấy một sân chim rộng lớn, với nhiều loại cò đủ các chủng loại khác nhau. Để chiêm ngưỡng hết cảnh đẹp ở đây, thì du khách có thể đến lúc sáng sớm để được nhìn thấy những đàn cò tỏa ra đi kiếm ăn và chiều muộn lại được nhìn thấy những đàn có nối đuôi nhau bay về.



Vườn cò Bằng Lăng thuộc ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt cũng được xem là một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ khi du lịch Cần Thơ.



Duy Văn

NỔI BẬT TRANG CHỦ