• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tưng bừng lễ hội làng Đồng Kỵ ngày xuân

31/01/2017 10:20

(Cinet)- Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, tại Bắc Ninh lại tưng bừng diễn ra lễ hội làng Đồng Kỵ thu hút hàng nghìn người tham gia

(Cinet)- Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, tại Bắc Ninh lại tưng bừng diễn ra lễ hội làng Đồng Kỵ thu hút hàng nghìn người tham gia.



Lễ hội làng Đồng Kỵ là một bảo tàng sống về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Bắc Ninh, ở đó lưu giữ và bảo tồn những phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật và sự kiện xã hội, lịch sử quan trọng của dân tộc. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 4 Tết hàng năm.

Lễ hội làng Đồng Kỵ là lễ hội đặc sắc của người dân Bắc Ninh. Nguồn: nld.com.vn

Đồng Kỵ là một làng cổ có từ lâu đời với các chòm xóm nằm bên bờ sông Ngũ Huyện Khê. Trải qua quá trình tồn tại và phát triển, nơi đây đã sáng tạo ra những di sản văn hóa độc đáo và phong tục tập quán tốt đẹp mang đậm bản sắc của vùng quê đồng bằng châu thổ sông Hồng thông qua các lễ hội tổ chức vào mỗi dịp Tết đến xuân về.



Quần thể di tích đình, đền, chùa làng Đồng Kỵ nằm ở trung tâm của làng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm, các công trình nơi đây được khởi dựng để làm nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương. Theo truyền thuyết, đình là nơi thờ đức thánh Thiên Cương Đại Vương, vị thần có công giúp vua Hùng đánh giặc Xích Quỷ giữ nước.

Trong đó thú vị nhất là tục rước pháo. Nguồn: TTVH, VnExpress

Nét độc đáo của lễ hội làng Đồng Kỵ là tục thi pháo (do đó lễ hội còn có tên gọi là hội pháo). Theo đó, những nhà có pháo to thường mời phường kèn, phường trống đến rước. Khi rước, cứ đi vài mét lại đốt một tràng pháo nhỏ. Hội rước pháo làng Đồng Kỵ nức tiếng khắp cả nước bởi duy trì được nét truyền thống đặc sắc. Lễ hội này khởi nguồn từ một hội thi làm pháo, đốt pháo từ thời xưa để tưởng nhớ, tái hiện ngày Thánh Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc. Trong lễ rước pháo, có sự tham gia biểu diễn của các đội khiêng kiệu, cầm cờ, đánh trống, múa lân...tái hiện lại khung cảnh hào hùng thủa trước.



Khi hạ pháo xuống sân đình, người nhà đốt tràng pháo cuối cùng, gia đình có pháo mang trầu cau mời bà con đến hội xem thi pháo. Khi các nhà mang pháo ra đình, hội thi pháo bắt đầu. Tổng trống đánh ba hồi báo hiệu, pháo nhỏ nhất đốt trước, pháo lớn đốt sau. Chủ pháo chít khăn nhiễu điều, thắt lưng lục đỏ, tay cầm bó hương quay vào đình làm lễ. Dứt ba tiếng trống, chủ pháo tiến lên ba bước vái thần, vái quan đám và các cụ bô lão rồi đốt. Trống cắt, pháo nổ và cứ sau mỗi quả pháo nổ thì trong xuân đài lại có bốn hồi trống lệnh của bốn giáp đánh lên. Tiếng pháo chấp hiệu (quả pháo nổ sau cùng to và đẹp nhất) tượng trưng cho lệnh thu quân toàn thắng. Pháo đốt xong, con cháu các gia đình, dòng họ hò reo náo nhiệt, rồi rước xác pháo về nhà ăn mừng. Mọi người đều tin nhiều điều may mắn sẽ đến, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn thuận lợi, nhà nhà an khang thịnh vượng.

Các ông Đám làm lễ với Thành hoàng và tổ tiên. Nguồn: toquoc, VnExpress

Ngoài tục thi pháo, rước pháo, trong hội Đồng Kỵ còn diễn ra các hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi. Đến Đồng Kỵ những ngày vào hội có thể nghe hát Quan họ trên thuyền, xem biểu diễn các vở Tuồng ngay trong sân đình... Đặc biệt, cả Quan họ và các tích Tuồng cổ đều do người làng thể hiện. Giải Vật cổ truyền thu hút hàng chục đô vật từ 7 tỉnh về tranh tài; các môn Cầu lông, bóng chuyền, Cờ tướng, Chọi gà… thể hiện nét văn hoá lành mạnh trong lễ hội làng Đồng Kỵ.



Từ khi có chỉ thị 406/TTg về việc cấm đốt pháo trên toàn quốc, nhân dân Đồng Kỵ đã nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên để bảo lưu được tục lệ tốt đẹp của làng, người dân Đồng Kỵ đã tiến hành làm pháo mẫu bằng chất liệu gỗ, trên pháo có trang trí tứ linh (Long, Ly, Quy , Phượng) được chạm tinh xảo, sơn son, thếp vàng. Tuy chỉ là pháo mang tính chất tượng trưng nhưng ý nghĩa và các nghi thức truyền thống vẫn được giữ nguyên, duy trì nhằm tái hiện những tập tục đặc sắc.

Nghi thức rước quan đám. Nguồn: tuson.bacninh.gov



Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, ngày 19/01/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục 15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có Lễ hội làng Đồng Kỵ. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để nhân dân Đồng Kỵ tiếp tục gìn giữ, phát huy di sản văn hóa này trong thời gian tiếp theo.



Lễ hội làng Đồng Kỵ là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của vùng Đông Ngàn xưa. Đó là dịp để dân làng bày tỏ lòng biết ơn với đức thánh Thiên Cương, đồng thời cố kết cộng đồng, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sáng tạo không ngừng của con người được kế tục, truyền nối qua nhiều thế hệ.



T.T
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ