• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thăm quan ngôi chùa lưu giữ Bảo vật Quốc gia tại vùng Kinh Bắc

15/12/2014 08:34

(Cinet) – Chùa Bút Tháp - một ngôi chùa cổ nổi tiếng vùng Kinh Bắc với vẻ đẹp cổ kính, hài hòa và pho tượng Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia

Gác chuông tại chùa Bút Tháp vẫn giữ nguyên được kiến trúc và dáng vẻ cổ kính

(Cinet) – Chùa Bút Tháp - một ngôi chùa cổ nổi tiếng vùng Kinh Bắc với vẻ đẹp cổ kính, hài hòa và pho tượng Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Chùa Bút Tháp nằm ven dòng sông Đuống, thuộc địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có tên chữ là Ninh Phúc tự được xây dựng vào thế kỷ thứ 17 thời Hậu Lê. Chùa Bút Tháp là một trong số ít những ngôi chùa ở Việt Nam còn giữ được khá nguyên vẹn lối kiến trúc sơ khai, đây cũng là địa chỉ hành hương mà các Phật tử từ khắp các tỉnh/thành trên cả nước tìm về mỗi dịp lễ hội đầu năm.

Từ trung tâm Hà Nội đến chùa Bút Tháp khoảng 40 km, đường đi rất đẹp vì thuận lợi. Có lẽ cũng bởi yếu tố thuận lợi đó mà ngày càng có nhiều khách thăm quan tìm về vãn cảnh chùa, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Hiện nay, tại chùa đang lưu giữa một pho tượng được coi là Bảo vật quốc gia - pho tượng Quan âm Nghìn mắt, nghìn tay ( Thiên thủ, thiên nhãn). Bảo vật quốc gia có chiều cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và 954 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Tượng được đặt trên tòa sen rồng đội, với dáng hành đạo, thư thái, pho tượng này cũng được coi là kiệt tác của điêu khắc Phật giáo  Việt Nam.

Mặc dù đang là nơi lưu giữ một báu vật vô giá, có một không hai nhưng không phải đến khi bức tượng này được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012, chùa Bút Tháp mới nổi tiếng và trở thành điểm thăm quan tâm linh hấp dẫn. Ngôi chùa cổ vùng Kinh Bắc này đã được biết đến từ rất lâu bởi vẻ đẹp cổ kính, và kiến trúc chuẩn mực cùng với vô số tác phẩm nghệ thuật mà chùa đang lưu giữ.

Bảo vật quốc gia Bức tượng Quan âm nghìn tay, nghìn mắt - Kiệt tác điêu khắc Phật giáo Việt Nam.



Sẽ không quá chút nào khi nói rằng, chùa Bút Tháp có kiến trúc chẩn mực theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, có nghĩa là có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Toàn bộ kiến trúc chính của chùa Bút Tháp quay theo hướng Nam mà theo đạo Phật đây là hướng của trí tuệ.

Các công trình kiến trúc của chùa được thiết kế bố trí rất cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm nhưng lại vô cùng tự nhiên ở xung quanh. Khu trung tâm bao gồm 8 nếp nhà đều nằm ngang, chạy song hành được bố trí trên một trục dọc kiểu mô hình đường thần đạo. Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đó là gác chuông hai tầng tám mái, kế đó là tòa Tiền Đường, Thiêu Hương, nhà Thượng Điện, Cầu Đá, toà Tích Thiện Am, Trung Đường, Phủ Thờ, nhà Hậu Đường và kết thúc là hàng tháp đá sau nhà Hậu Đường, trong đó có tháp đá Tôn Đức 5 tầng, cao 11m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Bên trái chùa có nhà thờ tổ Chiết Tuyết và ngôi tháp đá Báo Nghiêm tám mặt, 5 tầng cao 13m là nơi táng xá lị của thiền sư Chiết Tuyết. Hai bên dọc theo toà Tiền đường là hai nhà bia và hai dãy hành lang chạy suốt chiều dài của chùa. Nối giữa Thượng Điện và Tích Thiện Am là chiếc cầu đá cong bắc ngang hồ sen. Cầu dài 4m gồm 3 nhịp uốn cong vồng. Mặt cầu lát đá xanh, hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông, hoa lá công phu, tinh xảo.

Tháp Báo Nghiêm và một vài công trình kiến trúc tại chùa Bút Tháp



Qua chiếc cầu đá nhỏ xinh với kiến trúc độc đáo là Tích Thiện Am. Tên gọi Tích Thiện Am có hàm ý là nơi chứa điều tốt lành. Tích Thiện Am được xây dựng năm Tân Dậu (1681) đến năm Tân Mùi (1691). Trong Tích Thiện Am, có tòa cửu phẩm liên hoa - tháp bằng gỗ, 9 tầng, 8 mặt, 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo. Không chỉ có vậy Tích Thiện Am còn có 26 bức tranh được chạm khắc đá xanh bạc theo nhiều chủ đề khác nhau từ trời mây, hoa lá đến chim muông, muôn thú. Đây được xem như là biểu tượng của Tứ linh, Tứ quý, đồng thời hàm chứa ý nghĩa Phật đạo sâu sắc.

Nói đến kiến trúc độc đáo của chùa mà không nhắc đến tháp Báo Nghiêm sẽ là thiếu xót. Tháp Báo Nghiêm giống như cây bút khổng lồ, vươn thẳng tới trời cao thanh vắng. Tháp cao 13,05m, 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, 5 góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ, xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,29m. Tầng dưới cùng của tháp này có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú được chạm khắc rất tinh xảo.

Không chỉ các công trình kiến trúc mà cảnh quan sân vườn của chùa cũng được thiết kế rất hài hòa tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp, ấn tượng. Chùa có nhiều cây cổ thụ với tán lá rộng, dày tỏa bóng mát khắp sân chùa mang lại không khí vô cùng dễ chịu kể cả giữa lúc trời đang nắng gắt.

Đã hàng trăm năm trôi qua, dù một số công trình đã xuống cấp và phải tu bổ song chùa Bút Tháp ngày nay vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, thanh tịnh như thửa mới được xây dựng. Đến thăm quan, vãn cảnh chùa Bút Tháp, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn tĩnh lại, cảm thấy sự bình yên thanh thản, thêm vào đó sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng Bảo vật Quốc gia của Việt Nam.

Một số tác phẩm điêu khắc đá tinh xảo tại chùa.



Bài và ảnh: Lan Hương

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ