• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thăm quan làng cổ trăm tuổi của Việt Nam: Làng cổ Thổ Hà (Bài 4)

25/01/2016 16:42

(Cinet) – Là làng cổ hiếm hoi còn giữ được tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng cổ Thổ Hà cũng là một trong số năm ngôi làng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là Làng cổ trăm tuổi.

Bến đò tại làng Thổ Hà

Bài liên quan :

>> Thăm quan làng cổ trăm tuổi của Việt Nam: Làng cổ Phước Tích (Bài 3)

>> Thăm quan làng cổ trăm tuổi của Việt Nam: Làng cổ Túy Loan (Bài 2)

>> Thăm quan làng cổ trăm tuổi của Việt Nam: Làng cổ Long Tuyền – Cần Thơ (Bài 1)


(Cinet) – Là làng cổ hiếm hoi còn giữ được tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng cổ Thổ Hà cũng là một trong số năm ngôi làng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là Làng cổ trăm tuổi.

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 50 km, làng cổ Thổ Hà nằm ven sông Cầu, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Thổ Hà ngày hôm nay vẫn như một bảo tàng đặc trưng về nông thôn Bắc Bộ một phần bởi sự biệt lập của ngôi làng. Du khách muốn đến đây phải đi qua sông bằng phà hoặc đi đò. Quanh làng Thổ Hà có nhiều bến nước, trong đó có hai bến phà chính nằm ở đầu làng và cuối làng.

Cũng giống như Đường Lâm, làng cổ Thổ Hà đến nay vẫn còn giữ dược dáng vẻ cổ kính của kiến trúc làng quê Bắc Bộ xưa. Hai công trình nổi bật nhất của làng là ngôi chùa Đoan Minh cùng với đình làng – cả hai công trình này có thể coi là các kiệt tác kiến trúc cổ của Việt Nam.

Đình Thổ Hà trước là ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, được các nhà nghệ thuật coi là bông hoa của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam. Đình Thổ Hà cũng đã được xếp hạng là Di tích Kiến trúc, Nghệ thuật cấp Quốc gia. Đình được xây dựng vào năm 1692, thời vua Lê Hy Tông để thờ thành hoàng làng là Lão Tử và sư tổ nghề gốm của làng Đào Trí Tiến. Kiến trúc đình Thổ Hà mang đặc trưng của kiến trúc Việt với các mảng chạm khắc nổi bật thể hiện đề tài “tứ linh, tứ quý”. Hiện nay, đình làng vẫn còn khá nguyên vẹn và đặc biệt còn lưu giữ được chín tâm bia cổ - những minh chứng lịch sử và văn hóa vô giá của dân tộc.

Chùa Đoan Minh cũng là một di tích lịch sử cấp Quốc gia được công nhận tại làng Thổ Hà. Chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc phổ biến của Việt Nam – kiến trúc “nội công, ngoại quốc”. Chùa Đoan Minh có niên đại từ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ thứ 17 với quy mô khá lớn, bao gồm cổng tam quan, gác chuông và tiền đường, tòa thiêu hương, tòa thượng điện, tòa tam bảo và nhà tổ…Tất cả các kiến trúc nhỏ đã tạo nên một công trình kiến trúc hài hòa, ấn tượng. Gác chuông và tiền được được chạm trổ vô cùng tinh xảo với các hình ảnh rồng, mây, hoa lá. Từ Tam bảo theo hau dẫy hành lang dài sẽ vào tới động Tiên – nơi ghi lại đầy đủ hình ảnh Phật Thích Ca từ lúc mới sinh ra cho tới khi trưởng thành rồi rời bỏ kinh thành vào động tu đến khi đắc đạo.

Những hình ảnh gợi lên nhiều hoài niềm về một làng quê Bắc Bộ đặc trưng của Việt Nam với mái đình cổ, những căn nhà cổ và ngõ nhỏ vắng vẻ...



Tại chùa Đoan Minh hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: 15 bức đại tự, hoành phi; khoảng 20 cặp  câu đối cổ làm bằng gỗ, sơn sơn thếp vàng; bát hương đá cổ; hệ thống bia bằng đá xanh..Bên cạnh đó chùa Đaon Minh cũng có nhiều tượng phật đẹp như Phật Tổ Như Lai và tượng Phật bà Quân Âm ngồi trên tòa sen.

Cùng với hai công trình kiến trúc độc đáo cổ kính kể trên, làng cổ Thổ Hà mang lại cảm giác hoài niệm cho du khách đến đây bởi chính nhịp sống êm đềm, bởi nụ cười ấm áp, thân thiện của người dân và không gian, môi trường thiên nhiên…Bên cạnh đó, làng cũng còn giữ được khá nhiều những mảng tường xây bằng tiểu sành, mảng gốm – vốn là những sản phẩm được tận dụng để xây nhà bởi trước kia làng Thổ Hà nổi tiếng khắp cả nước với nghề gốm truyền thống. Việc tận dụng các sản phẩm tưởng chừng như chỉ để tiết kiệm xưa kia nay lại tạo một nét rất riêng cho Thổ Hà.

Nay, nghề gốm đã không còn, làng Thổ Hà lại nổi tiếng với nghề truyền thống khác đó là nghề làm bánh đa nem và mì gạo. Du khách từng một lần đến thăm làng cổ Thổ Hà sẽ đều bị ấn tượng bởi đi đâu cũng thấy những tấm phên bánh đa nem được người dân đem phơi trong những ngày nắng đẹp..

Cùng với làng Đường Lâm, nhiều năm nay làng cổ Thổ Hà cũng đã trở thành điểm đến thăm quan hoài cổ lý tưởng cho du khách trong cũng như ngoài nước đặc biệt với những du khách muốn tìm hiểu về cuộc sống cũng như tìm hình ảnh của làng quê Việt Nam.

Tuy nghề làm gốm truyền thống nay đã không còn nhưng làng Thổ Hà lại phát triển một nghề truyền thống khác đó là nghề làm bánh đa nem...



(Ảnh nguồn internet)

NLH


 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ