• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết

Thực hiện: Bảo Trung | 13/02/2024

(Tổ Quốc) - Cỗ lá là nét tinh túy trong ẩm thực của người Mường, nó chứa đựng ân tình của con người đối với đất, trời, rừng núi. Thưởng thức cỗ lá, không phải chỉ để cảm nhận hương vị đặc biệt của các món ăn mà hơn hết đó là tình cảm mộc mạc, chân thành của người Mường.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 1.

Cỗ lá được xem là một trong những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực người Mường ở Hòa Bình vào các dịp lễ tết, lễ hội văn hóa truyền thống. Những món ăn được bày trên lá chuối, theo quan niệm của người Mường thì phần ngọn và mép lá tượng trưng cho Mường Sáng – của người sống, phần gốc lá và mang lá tượng trưng cho Mường Tối - Mường ma, của người chết. Chính vì thế, khi dùng lá chuối bày cỗ, người Mường cũng có quy tắc phân biệt: người vào, ma ra – tức là khi dọn cỗ cho người sống, phần ngọn lá hướng vào trong, còn khi bày cỗ cúng ma thì làm ngược lại.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 2.

Để chuẩn bị được những mâm cỗ lá thịnh soạn, gia chủ phải chuẩn bị những nguyên liệu từ sớm, thậm chí sơ chế từ đêm hôm trước. Các món ăn chủ yếu từ cây, lá trên rừng và trong vườn nhà kết hợp thêm các loại gia vị truyền thống đã tạo nên những hương vị đậm đà khó quên.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 3.

Trong mâm tết cỗ lá không thể thiếu được món cuốn gồm có: trứng và giò lợn thái lát mỏng, cùng rau thơm, hành lá. Đây là món mang đặc trưng ẩm thực Mường nhất trong cỗ lá. Những món ăn trong mâm cỗ lá đều là những món ăn được hình thành trong quá trình lao động sản xuất của đồng bào dân tộc và được chế biến, gia giảm nguyên liệu và trở thành những món ăn đặc trưng của người Mường.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 4.

Gia vị chế biến kèm theo các loại bao gồm nước mắm, muối gia vị, dầu ăn, mì chính, hạt nêm, hạt dổi rừng, hạt he (hay còn gọi là hạt mắc khén), hạt tiêu, hạt vừng, lá kịa, tỏi, gừng, ớt, giềng, hành khô và nhiều gia vị dân tộc phụ trợ khác. Chính những thức gia vị độc đáo, riêng có này cũng làm tăng sức hấp dẫn và hương vị ngon thơm của từng món ăn trong mâm cỗ lá của người dân tộc Mường.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 5.

Trên mẫm cỗ lá dù nhiều hay ít cũng không thể thiếu 3 món: Chả chìa, cá ốt đồ và chả lá bưởi.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 6.

Gia vị chấm đặc trưng của dân tộc Mường, phổ biến nhất là muối nướng hạt dổi.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 7.

Vào những ngày Tết và lễ hội lớn, đồng bào Mường thường đồ xôi ngũ sắc với năm màu xanh - đỏ - tím - vàng – trắng rất đẹp mắt. Xôi trắng tượng trưng cho tinh hoa của đất và rừng.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 8.

Mâm được làm từ mẹt tre hoặc mâm gỗ vuông, tròn.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 9.

Bố cục trình bày trong mâm cỗ: Chia thành 6 phần theo hình tròn với tỷ lệ tương xứng với các món ăn, thể hiện cho 6 dân tộc chính đang sinh sống ở Hòa Bình (người Mường, người Kinh, người Thái, người Dao, người Tày, người Mông). Mâm cỗ lá được lót bằng lá cây chuối rừng. Chuối rừng có đặc điểm khác biệt hơn so với loại cây chuối thông thường, Chuối rừng chủ yếu được người dân bản địa trồng trên núi hay sườn dốc thoải, thân cây to mọng nước và đặc biệt lá to và màu xanh đậm hơn so với cây chuối bình thường.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 10.

Đó cũng chính là nét độc đáo riêng có của mâm cỗ lá người Mường. Cỗ lá ngày Tết là nét tinh túy trong ẩm thực của người Mường, nó chứa đựng ân tình của con người đối với đất, trời, rừng núi.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 11.

Cỗ lá ngày Tết được xem là một trong những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo, lạ mắt không thể thiếu trong ngày Tết của người Mường ở Hòa Bình.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 12.

Ngồi quây quần bên mâm cỗ lá, nhấp một chén rượu nồng trong tiết trời giao mùa se lạnh như đang được thưởng thức cả tinh hoa đất trời Tây Bắc, mọi lo toan cuộc sống như được gác lại, nhường chỗ cho những trọn vẹn, đủ đầy như mâm cỗ lá được bày lên.

Thăm nhà người Mường khám phá mâm "cỗ lá" đón Tết - Ảnh 13.

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ