• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tái hiện hồn quê một thuở

24/12/2017 19:24

Giữa những bình dị, yên ả của vùng duyên hải Giao Thủy (Nam Định) có một bảo tàng đặc biệt, trưng bày và tái hiện những nét đặc trưng nhất của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Từ cái tên Bảo tàng Đồng quê đã thấy ấm áp thân thương, như nhịp cầu nối đời sống sinh hoạt nông thôn xưa với dòng chảy cuộc sống hiện đại.

 

Giữa những bình dị, yên ả của vùng duyên hải Giao Thủy (Nam Định) có một bảo tàng đặc biệt, trưng bày và tái hiện những nét đặc trưng nhất của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Từ cái tên Bảo tàng Đồng quê đã thấy ấm áp thân thương, như nhịp cầu nối đời sống sinh hoạt nông thôn xưa với dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Tòa nhà chính của bảo tàng đồng quê. (Ảnh: baonongnghiep.vn)
Bức họa đồng quê



Theo chân các cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định trong hành trình khảo sát các điểm đến của Thành Nam dành cho các công ty lữ hành, chúng tôi tới thăm Bảo tàng Đồng quê ở thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, cách trung tâm TP Nam Định khoảng 40 km và cách biển Quất Lâm chừng 3 km. Bao bọc chung quanh bởi những cánh đồng lúa trải dài bát ngát, ngay từ đầu bảo tàng đã mang lại cảm giác thư thái, thanh bình. Vòm cổng bảo tàng được xây theo lối cổng làng Bắc Bộ cũ. Trên mảnh đất rộng gần 6.000 m2, từng chi tiết nhỏ nhất cũng chứa đựng lịch sử, văn hóa một thời. Ngay bên cổng vào là chiếc ao nhỏ nuôi đủ loại cá, tôm, có xuồng bơi, vó bè, vó kéo tay và cả nhà chòi câu cá. Cạnh đó là mảnh ruộng nước xinh xắn, vừa để trồng lúa tám thơm, lúa nếp ấp bẹ, vừa để thả các loại cua, cáy, ốc...



Hướng dẫn viên bảo tàng, chị Trần Thị Huê, cô gái xứ biển có chất giọng ngọt ngào đưa khách đi thăm khu trưng bày bốn loại nhà tiêu biểu của các tầng lớp trong xã hội nông thôn thời phong kiến, thuộc địa gồm: nhà mái rạ tường đất của bần cố nông, nhà gỗ lợp bổi của trung nông, bên trong đầy đủ những dụng cụ sinh hoạt như chum, vại, cối xay, cối giã gạo...; nhà xây lợp ngói nam của địa chủ, phú ông với tủ chè, sập gụ, tràng kỷ...; kiến trúc nhà gác tường gạch, lợp ngói tây của vùng nông thôn Bắc Bộ những năm sau trong thế kỷ 20. Chị Huê cho biết, ở đây có nhiều nếp nhà cũ với tuổi từ 70 đến 100 năm được mua và dựng lại nguyên bản. Đoàn chúng tôi hôm đó có một cán bộ về hưu. Mắt ông đỏ hoe, hỏi ra mới biết khi nhìn chiếc sàng, ông bỗng nhớ đến mẹ, nhớ về những đêm trăng mẹ ngồi sàng gạo trước hiên nhà... 



Trung tâm bảo tàng là ngôi nhà cao tầng xây theo kiểu nhà hiện đại đã và đang được ưa chuộng ở nông thôn hiện nay. Chiếc cầu thang ngoài trời đưa chúng tôi lên tầng hai để tìm hiểu những nông cụ bình dân, từ chiếc cày, bừa, liềm, rổ rá, cối xay, cối giã gạo... cho đến các vật dụng lao động của ngư dân, diêm dân hàng trăm năm qua. Tầng ba trưng bày hàng nghìn hiện vật là dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng từ xa xưa mang đặc trưng đồng bằng Bắc Bộ và miền biển. Trong đó, đáng chú ý là bộ sưu tập đồ đồng nặng khoảng hai tấn với khoảng 200 nồi đồng, 200 mâm đồng, 50 chậu đồng, 100 đèn cổ, chum, chóe các cỡ...; và bộ sưu tập tiền xu khá đầy đủ qua các triều đại nặng hơn một tạ, 2 kg tiền giấy Đông Dương các loại... Tầng bốn của bảo tàng là thư viện thu nhỏ với nhiều đầu sách, trong đó có nhiều sách quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam, về các cây thuốc Đông Dương,... Riêng tầng một được bố trí tương đối độc lập, triển lãm các hình ảnh, hiện vật về cung đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, hoạt động mở đường, đào hầm, khắc phục bom mìn... 

Dụng cụ lao động tại bảo tàng đồng quê. (Ảnh: baonongnghiep.vn)



Bảo tàng được phủ bóng râm xanh mát của rất nhiều loại cây mang đặc trưng đồng bằng Bắc Bộ, có cả những loại đang có nguy cơ biến mất như cây cậy, chay, sắn thuyền. Bảo tàng sống động mọc lên giữa vùng quê yên ả là công sức tạo dựng của vợ chồng cô giáo làng và một cựu chiến binh đã về hưu. Phần lớn hiện vật nơi đây là đồ thu mua, sưu tập từ các gánh “đồng nát” nhà quê được chủ nhân bảo tàng cất công sưu tầm suốt từ 30 đến 40 năm qua. 



Đau đáu với ký ức cha ông



Bên chén trà vối quê ấm nóng, nghe những lời tâm sự của bà Ngô Thị Khiếu, Giám đốc Bảo tàng Đồng quê, vợ của Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hoàng Kiền, mới càng thấy yêu, khâm phục và trân trọng tấm lòng những người con luôn đau đáu với quê hương. Tốt nghiệp sư phạm, bà Khiếu trở về quê hương dạy học tại xã Giao Thịnh và nên duyên vợ chồng với thầy giáo trẻ Hoàng Kiền. Sau đó, ông Kiền lên đường nhập ngũ trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, lăn lộn qua các chiến trường trong nam, ngoài bắc, bảo vệ biên giới, hải đảo. Bà Khiếu cũng lặn lội theo chồng, khi Đà Nẵng, Đà Lạt, khi Hải Phòng, Hà Nội. Bà kể: “Cách đây hơn 20 năm, trong chuyến về quê, tình cờ gặp người ta bán như cho những chiếc thau đồng, mâm đồng còn lành lặn cho những người buôn đồng nát, tôi quá xót ruột bởi đó là những thứ đã in hằn cả tuổi thơ mình. Nếu những thứ này cứ thế mất đi thì con cháu còn biết gì về cuộc sống của ông bà, tổ tiên. Nghĩ thế nên tôi mua lại hết. Càng sưu tầm lại càng đam mê, thế là tranh thủ lúc rỗi, tôi lại giấu chồng bắt xe đi tới nhiều vùng quê chung quanh Hà Nội để tìm mua những hiện vật đồng quê xưa cũ. Có hôm mưa bão, tìm đến nơi thì người ta đã bán "đồng nát" mất...”. 



Hai vợ chồng bà đều thích đọc và sưu tầm sách. Năm 2009, vợ chồng bà Khiếu được mời về quê dự lễ khánh thành một trường mầm non ở xã Giao Thịnh. Thấy cơ sở vật chất của các trường ở xã còn khó khăn, cũng chẳng có khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, vợ chồng bà nảy ra ý định xin mua một sào đất ở quê để xây dựng thư viện nhỏ với số sách hiện có của gia đình. Lúc này bà mới nghĩ đến việc sẽ trưng bày thêm cả những hiện vật đồng quê và quyết định nói với chồng về quá trình hơn chục năm qua đã cất công tìm kiếm, sưu tầm. Lo vợ vất vả nhưng nhìn khối hiện vật đồ sộ được tích góp, hiểu được đam mê và tấm lòng của vợ, Thiếu tướng Hoàng Kiền cũng đồng tình. Khi trình bày với lãnh đạo xã, huyện, không ngờ ý tưởng này được ủng hộ. Thậm chí, vợ chồng bà còn được gợi ý, khuyến khích mở rộng diện tích, làm thành khu văn hóa đồng quê. Thế là dự án được lập ra, bà Khiếu được chính quyền các cấp cho thuê gần 6.000 m2 đất với giá ưu đãi trong 30 năm để xây dựng bảo tàng. Từng công tác trong binh chủng công binh, ông Kiền luôn theo sát việc thiết kế, xây dựng dự án văn hóa tư nhân này. Ông đã bán mảnh đất ở Hà Nội để dồn kinh phí xây dựng bảo tàng; đồng thời dành riêng tầng một để trưng bày những hiện vật, hình ảnh thể hiện hồi ức của người chiến sĩ công binh trong quá trình chiến đấu, công tác hơn 42 năm, với mong muốn truyền đi niềm tự hào về truyền thống chiến đấu anh dũng của bộ đội Trường Sơn... 



Bà Khiếu xúc động chia sẻ: Để xây dựng bảo tàng cần khoản kinh phí không nhỏ. Gia đình bà dồn hết sức cũng chỉ được một phần, còn lại đều nhờ bạn bè thân thiết, bà con làng xã. Những nhà tài trợ khi biết tâm nguyện của vợ chồng bà cũng tham gia đóng góp, hỗ trợ. Được khởi công từ đầu năm 2011, tới cuối năm 2012, bảo tàng đã hoàn thành giai đoạn một, bắt đầu mở cửa và đến năm 2015 thì chính thức hoàn thiện. Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận bà Ngô Thị Khiếu là người sáng lập Bảo tàng Đồng quê đầu tiên ở Việt Nam.



Chia thành từng nhóm nhỏ, chúng tôi lần lượt trải nghiệm những công việc nhà nông như trồng rau, bắt cá, xay thóc giã gạo, thưởng thức men rượu nếp Bỉnh Di nức tiếng, miếng bánh gai Nam Định ngọt thơm được làm thủ công bởi chính những người quản lý bảo tàng. Cảm giác hương vị quê hương như đang tan dần nơi đầu lưỡi, khoan khoái và bình yên... Vừa hướng dẫn chúng tôi cách pha bột để làm bánh gai, bà Khiếu vừa cho biết, bây giờ bảo tàng không chỉ là điểm đến thân thuộc của những người dân quê chung quanh vùng mà còn được nhiều du khách trong nước, ngoài nước biết đến. Hai năm gần đây, năm nào bảo tàng cũng đón từ khoảng 20.000 đến 25.000 lượt khách. Phần lớn các trường trong tỉnh đã đưa học sinh tới trải nghiệm. 

Hướng dẫn viên đang giới thiệu cho du khách tham quan. (Ảnh: baonongnghiep.vn)



Gần đây, các công ty du lịch đưa khách đi về Chùa Keo, Vườn quốc gia Xuân Thủy hay biển Quất Lâm lại ghé qua đây. Bảo tàng mở cửa miễn phí để khách tự do tham quan. Chỉ những đoàn đông mới thu phí môi trường, nhưng tính ra cũng chỉ bằng tiền gửi xe. "Tôi vẫn nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau, nuôi tôm, thả cá, nấu rượu... để vừa phục vụ du khách thưởng thức ẩm thực đồng quê, mua đặc sản địa phương về làm quà, vừa để họ có nhiều trải nghiệm thực tế bổ ích, khó quên. Vợ chồng tôi cũng đã có tuổi, có lẽ, sau này chúng tôi sẽ tặng lại công trình này cho địa phương quản lý để tiếp tục lan tỏa văn hóa làng quê một thời”, bà Khiếu chia sẻ.



Trên con đê nhỏ ven biển Giao Thủy, những đợt gió mùa đông bắc đã tràn về buốt giá, nhưng không thể làm tan biến cảm giác ấm áp trong lòng chúng tôi khi vừa được sống lại với những gì rất đỗi thân thương, bình dị của làng quê Bắc Bộ. Chợt nhớ đôi câu đối mà Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã dành tặng Bảo tàng Đồng quê “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước/ Để cho con cháu mãi ngàn sau”.



Theo Nhandan

NỔI BẬT TRANG CHỦ