• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sóc Trăng biến tiềm năng thành “mũi nhọn” du lịch

24/10/2017 10:01

(Cinet)- Với lợi thế của một tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch: Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử truyền thống, du lịch sinh thái..., Sóc Trăng đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

(Cinet)- Với lợi thế của một tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch: Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử truyền thống, du lịch sinh thái..., Sóc Trăng đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.



Vùng đất giàu tiềm năng



Sóc Trăng là vùng đất có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng như: Chùa Dơi, chùa Đất sét, chùa Chén kiểu, chùa Kh’Leang... Chỉ riêng ở các khu vực thuộc thành phố Sóc Trăng đã có trên 20 ngôi chùa. Hầu hết đều là chùa Khmer với lối kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Khmer Nam Bộ. Ngôi chùa, ngoài việc dùng để cử hành các nghi lễ tôn giáo, còn là nơi lưu giữ các giáo lý nhà Phật; các tác phẩm văn học, nghệ thuật và là nơi diễn ra các lễ hội mang tính văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Lễ hội Oóc om bóc - một trong ba lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer.



Sóc Trăng cũng là vùng đất hội tụ nhiều lễ hội, với các phong tục, tập quán đặc trưng từ sự giao thoa văn hóa của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Trong quá trình sinh sống cộng cư lâu năm đã có sự giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc và tạo nên bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo của người dân Sóc Trăng. Điều này được thể hiện rất rõ nét trong các hoạt động thường ngày, trong văn hóa ngôn ngữ - giao tiếp, văn hóa tâm linh tín ngưỡng, trong chiến đấu, học tập, lao động sản xuất và đặc biệt là trong các dịp lễ hội.



Cũng chính sự cộng cư của ba dân tộc trên mảnh đất Sóc Trăng đã tạo nên nhiều lễ hội phong phú, đa dạng và độc đáo. Chỉ riêng dân tộc Khmer đã có rất nhiều lễ hội trong năm, như: Tết Chol Chnăm Thmây, lễ Dolta, lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo... Đặc biệt ở lễ hội Oóc om bóc - một trong ba lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer - còn có hội đua ghe Ngo mang tính văn hóa và thể thao rất hoành tráng, thu hút nhiều người dân và du khách tham dự.



Bên cạnh những lễ hội độc đáo, nét kiến trúc đặc sắc của các ngôi chùa, cảnh sông nước miệt vườn với hệ thống vườn cây ăn trái, các cồn và cù lao như: cồn Mỹ Phước, cồn Ấu, rừng ngập mặn nước ven biển - Cù lao Dung, rừng tràm Mỹ Phước - khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng… hay những món ngon rất đặc trưng như bún nước lèo, cốm dẹp, bánh pía... cũng làm xao xuyến tâm hồn biết bao du khách khi đến với Sóc Trăng.



Biến tiềm năng thành mũi nhọn du lịch



Là vùng đất có lịch sử lâu đời với những ngôi chùa mang kiến trúc độc đáo và những lễ hội văn hóa đặc sắc của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, cùng với nhiều di tích lịch sử cách mạng, thiên nhiên tươi đẹp và những món ăn đặc sản dân dã, có thể thấy, tiềm năng du lịch Sóc Trăng là rất lớn. Và việc biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn du khách trong, ngoài nước được xem là mục tiêu quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.



Những năm qua, dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy phát triển đa dạng hóa nhưng ngành Du lịch Sóc Trăng vẫn có những hạn chế về các sản phẩm du lịch. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 8 di tích lịch sử cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh được công nhận và có 3 điểm được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh (chùa Mahatup, Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, Tân Huê Viên) và 174 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó, đã thẩm định được 64 cơ sở, gồm: 1 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 18 khách sạn 1 sao, 34 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch, với 1.327 phòng. Nhìn chung, các cơ sở lưu trú du lịch từng bước được chỉnh trang, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tình hình vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được đảm bảo, chất lượng dịch vụ được nâng cao, số lượng cơ sở lưu trú được đánh giá là đáp ứng đủ phục vụ du khách.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng. (ảnh: toquoc.vn)



Trong buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, Sóc Trăng đã có nhiều chính sách và hành động để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, trong đó có việc ban hành Nghị quyết và Chương trình hành động về việc phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng 2025.



Về giải pháp phát triển du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, Sóc Trăng cần đánh thức những tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là nền văn hóa Khmer, văn hóa Nam bộ đặc trưng. Thông qua những dịp lễ hội, địa phương cần tranh thủ công tác quảng bá để phát triển du lịch, tạo tiếng vang lớn hơn để phát triển thương hiệu du lịch Sóc Trăng.



Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã khẳng định, với nhiều lợi thế về văn hóa vật thể và phi vật thể, Sóc Trăng có thể kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với du lịch, để phát triển kinh tế và cải thiện đời sống. “Sóc Trăng cần chú trọng tới sản phẩm, đổi mới cách nghĩ, làm việc với các công ty lữ hành để tìm giải pháp đưa du khách về địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.



Nguyên Hà
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ