• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sáng tác và câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa

19/06/2017 21:37

(Tổ Quốc) - Sáng tác nghệ thuật không chỉ mang dấu ấn riêng của người sáng tác mà còn là một diễn ngôn văn hóa. Đó là sự “quy định” của tri thức , quyền lực văn hóa đối với phát ngôn của nhà văn. Để rồi, khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật này, công chúng lại được nâng cao thị hiếu, tình cảm thẩm mỹ để thấy yêu hơn những cảnh sắc, phong tục, tập quán, lễ hội của dân tộc mình.

Quan niệm về con người

Dường như, tất cả mọi câu chuyện về nghệ thuật đều xuất phát từ “con người” và cuối cùng là hướng đến con người. Tuy nhiên, quan niệm về con người trong các giai đoạn lịch sử lại có sự khác biệt. Nếu như thời Trung đại, con người chỉ được coi là một “tiểu vũ trụ”, con người giao hòa với thiên nhiên, trong con người có “âm - dương” trong bức tranh rộng lớn của thiên nhiên luôn có con người. Trong thời đại ngày nay, cùng với sự xuất hiện của các cuộc “cách mạng” trong khoa học kĩ thuật, cảm quan về vũ trụ, nhân sinh đã thay đổi, quan niệm về con người cũng không ngoại lệ. Dẫu biết rằng, văn chương, nghệ thuật từ xưa đến nay vẫn dành không ít giấy mực để ca ngợi những chinh phụ, cung nữ, nhưng chưa bao giờ những vấn đề về thân phận con người, quyền sống và hạnh phúc của con người được khai thác với nhiều góc độ như vậy. Khi con người trở thành vị trí trung tâm, những giá trị nhân văn, nhân bản, vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn con người được khai thác dưới nhiều góc độ.

Nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đang hướng đến con người bằng những quan niệm nghệ thuật nhân văn, mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa. Trong nhiều sáng tác của các nhà văn miền núi, con người hiện lên với vẻ đẹp nguyên sơ của tính cách, của ý thức sám hối, vượt qua khó khăn, thử thách để có được hạnh phúc. Không ở đâu, hình ảnh những chủ nhân của vùng đất này lại hiện lên vừa xù xì, thô nhám vừa trong sáng hồn hậu như các sáng tác văn học nghệ thuật về miền núi.

Hình thành văn hóa con người

Văn hóa con người chính là mục tiêu lớn nhất mà văn học nghệ thuật hướng đến. Kể từ trung đại, văn chương, nghệ thuật đã luôn hướng con người đến những trật tự, khuôn thước và tiêu chuẩn thẩm mỹ như hài hòa, đăng đối… Ngày nay, văn hóa con người được mở rộng hơn nhưng cũng cụ thể hơn. Mặc dù là chủ nhân của các nền văn hóa dân gian đa dạng, đặc sắc nhưng để hình thành nên văn hóa con người trong thời đại mới lại không hề đơn giản.

Lâu nay, đã xuất hiện tình trạng chúng ta đánh giá chưa đúng tầm vóc và giá trị văn hóa của dân tộc mình (đặc biệt là văn hóa hữu vật thể), để rồi từ đó làm thất tán, thất truyền các di sản văn hóa mà cha ông đã dày công sáng tạo và gìn giữ. Không những thế, đây đó trong các dân tộc đã xuất hiện những yếu tố lồng ghép ngoại lai, gây tác động xấu đến đời sống tinh thần con người. Việc nhiều bạn trẻ quay lưng lại với các giá trị văn hóa, đánh mất đi những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc mình không còn là cá biệt. Trong hoàn cảnh đó, những người cầm bút đã tự ý thức được hai nhiệm vụ song hành: Tiếp tục phát hiện, tôn vinh các giá trị văn hóa và bổ sung những tri thức văn hóa, nhằm hình thành văn hóa con người ở những địa phương này. Tuy nhiên, trước xu thế các giá trị văn hóa dân gian không được đề cao ấy, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tài năng, có cái nhìn thấu đáo hơn về văn hóa để thuyết phục được người đọc về những giá trị cốt lõi của dân tộc mình. Chúng ta không xa lạ gì với những lần ghé thăm Tây Bắc, hình ảnh những đôi trai gái tự tình khi xuống chợ, với ánh trăng rừng Tây Bắc… Tuy nhiên khi chúng ta đọc bài thơ Người vùng cao đón khách của nhà thơ Lê Va, thưởng thức ca khúc Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời của nhạc sĩ Phùng Chiến, ngắm bức sơn dầu Trăng đầu tháng của họa sĩ Lò An Quang… lại như được tiếp thêm hứng khởi và cảm thấy trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên con người Tây Bắc. Những vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt, trang phục và nét văn hóa sang trọng, bản nguyên trong giao duyên đôi lứa đã tạo nên sức lôi cuốn cho tác phẩm. Chúng ta có thể không lạ lẫm gì với những vẻ đẹp hồn nhiên của con người nơi đấy như:

Đỡ lấy cái nhọc đường xa

truyền cái hơi thơm của bản

chén chè đu đưa ấm lòng.

nhìn sâu mắt khách

bắt tay nổ đốt

người vùng cao cười

nụ cười em bé trong nôi.

(Người vùng cao đón khách - Lê Va)

Nhưng, để phát hiện ra nét độc đáo trong cách ứng xử thành thật không nặng mời chào, đãi bôi của đồng bào thì thực sự không nhiều người cầm bút nhận ra:

Khách đến

cứ làm bạn với ghế mây cái đã

chủ nhà lặng im

tiếp sức cho lửa

đón nước vào bếp

lửa hát, nước reo, người cất lời

(Người vùng cao đón khách - Lê Va)

Cũng viết về những cuộc giao duyên của các chàng trai, cô gái Mông, về vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, nhạc sĩ Phùng Chiến đã tìm ra cách thể hiện mới trong ca từ, tạo ra ấn tượng mới mẻ với thính giả: “Sa Pa, chiều nghiêng huyền thoại, mặt trời mọc lên từ má em, phố nhỏ hiện lên từ trong mây”; “Ơi Sa Pa, nơi gặp gỡ đất trời, bốn mùa hoa trái và mùa con trai hát gọi con gái”… Chính vẻ đẹp văn hóa đó đã góp phần bồi dưỡng đời sống tâm hồn, thành những thước đo thẩm mỹ góp phần hình thành cách ứng xử, lối suy nghĩ và nhân cách của con người văn hóa trong thời đại mới.

Giữ gìn bản sắc dân tộc

Cũng xuất phát từ việc hình thành con người văn hóa, văn học nghệ thuật đóng vai trò chủ đạo trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Giữ gìn bản sắc dân tộc là nhiệm vụ chung của tất cả các ngành, với văn học, nghệ thuật, các văn, nghệ sĩ cần phải chỉ ra được những nét văn hóa tuy lâu đời nhưng có giá trị nhân văn, vẫn có ý nghĩa trong thời đại mới để thuyết phục người đọc thay vì tuyên truyền một chiều. Các nghệ sĩ cần đưa ra những nhận xét, lý giải bằng thông điệp thẩm mỹ của mình để trả lời cho những băn khoăn bấy lâu nay của công chúng; giữ gìn bản sắc liệu có mẫu thuẫn với quá trình hiện đại hóa cơ cấu xã hội, cơ cấu kinh tế và công cụ sản xuất… Chúng ta đều biết theo tinh thần của Unesco: "phân tích đến cùng sự phát triển của xã hội chính là sự phát triển của văn hóa"; "sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao nhất của sự phát triển". Vậy thì, bản sắc văn hóa chính là những gì đã được tham chiếu từ nhiều góc độ, được chắt lọc và tôn vinh. Hình ảnh con gà trong tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm hay họa sĩ Lê Thiết Cương... chính là sự kế thừa hình ảnh con gà trong các dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam như tranh Đông Hồ, để tiếp tục đào sâu khai thác bằng cái nhìn mới mẻ. Như lời họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã nhận xét: “Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là con người đi ra từ di sản, là người kết nối di sản, là người lắng nghe mách bảo của quá khứ, nhất là dòng tranh dân gian Đông Hồ... Vì thế, hình ảnh con gà của Nguyễn Tư Nghiêm không phải là con gà thuần túy, mà có sự sinh động của cấu trúc nét vẽ”.

Người nghệ sĩ cần có trách nhiệm khẳng định sức sống, giá trị nhân sinh của những giá trị văn hóa đó như một cách giữ gìn giá trị văn hóa thuyết phục nhất. Theo một quy luật của cuộc sống, những tác phẩm có giá trị sẽ được công chúng đón nhận và hòa nhập vào đời sống dân gian để có sức sống trường tồn.

Phương Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ