• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Bình

02/02/2014 10:17

(Cinet)- Quảng Bình nằm ở vị trí trung độ của cả nước, có các trục lộ lớn quốc gia chạy xuyên suốt chiều dài của tỉnh. Mặt khác, đây còn là một tỉnh ven biển, hướng ra biển trong phát triển, giao lưu kinh tế và có tiềm năng du lịch hết sức phong phú.

Vẻ đẹp Quảng Bình

(Cinet)- Quảng Bình nằm ở vị trí trung độ của cả nước, có các trục lộ lớn quốc gia chạy xuyên suốt chiều dài của tỉnh. Mặt khác, đây còn là một tỉnh ven biển, hướng ra biển trong phát triển, giao lưu kinh tế và có tiềm năng du lịch hết sức phong phú.

Khái quát chung

Diện tích: 8.065,3 km²

Phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Tây giáp với Lào, phía Đông giáp với biển Đông.

Dân số: 849,3 nghìn người (2010).

Dân tộc: Việt (Kinh), Bru – Vân Kiều, Chứt, Tày.

Tỉnh lỵ: Thành phố Đồng Hới.

Các huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Tài nguyên văn hóa

Di sản văn hóa

Quảng Bình đã có hơn 400 năm hình thành và phát triển, là nơi giao thoa giữa hai miền văn hóa Đại Việt và Chăm Pa, là nơi ghi dấu những trang huyền thoại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vùng đất của những thắng cảnh kỳ thú, vùng đất của những di sản thiên nhiên thế giới.

Hiện nay Quảng Bình có trên 200 di tích và dấu hiệu di tích, 95 di tích đã được xếp hạng (có 51 di tích cấp quốc gia). Ngành VHTTDL Quảng Bình đã lập được 116 đơn vị di sản văn hóa phi vật thể và đang lập hồ sơ 10 di sản đề nghị Nhà nước đưa vào danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Quảng Bình là vùng đất văn vật, có di chỉ văn hoá Bàu Tró, các di chỉ thuộc nền văn hoá Hoà Bình và Đông Sơn, nhiều di tích lịch sử như: Quảng Bình Quan, Luỹ Thầy, Rào Sen, Thành Nhà Ngo, thành quách của thời Trịnh – Nguyễn, nhiều địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, Xuân Sơn, Long Đại, đường Hồ Chí Minh v.v… Nổi bật là quần thể di tích và danh thắng thị xã Đồng Hới gồm luỹ Đào Duy Từ và Quảng Bình Quan.

Đặc biệt, năm 2003, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Khu động Phong Nha còn có cả một hệ di tích lịch sử văn hoá có giá trị cho nhiều thời đại như các di tích khảo cổ học tiền sử, di tích văn hoá Chàm, di tích các trọng điểm trong chiến tranh chống Mỹ.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng  là Di sản thiên nhiên thế giới.
 

Hệ thống động Phong Nha được đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với bốn điểm nhất (dòng sông ngầm dài và sâu nhất – 13.969 m, cửa hang cao và rộng nhất, có những bờ cát rộng và đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất).

Nghệ thuật biểu diễn

Quảng Bình là cái nôi sinh thành nền văn hoá truyền thống của quê hương; nơi đây không chỉ sản sinh ra những giá trị văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần mà còn là cái nôi hình thành và phát triển các trò diễn, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ.

Chỉ xét về loại hình dân ca, Quảng Bình đã rất phong phú với hàng chục điệu hò, điệu hát, hát ru,... không dễ gì nơi nào cũng có.

Phong phú nhất, trước hết phải kể đến là các điệu hò: vùng Minh Hoá, Tuyên Hoá có Hò thuốc, Hò kéo nôốc, Hò văn, Hò xay lúa, Hò la hò là...; Vùng Quảng Trạch đặc sắc với điệu hò Cảnh Dương, Hò hụi..; Bố Trạch có Hò bài chòi, Hò đưa linh, Hò kéo lưới, Hò đẩy thuyền...; Đồng Hới có Hò đưa linh chèo cạn, Hò lỉa gỗ, Hò kéo neo kéo buồm...; Lệ Thuỷ, Quảng Ninh có Hò bài chòi, Hò lỉa gỗ, Hò chèo cạn, trong đó đặc sắc với điệu Hò khoan Lệ Thuỷ (hò giã gạo) nổi tiếng với 9 mái, trong đó có 6 mái cơ bản là: mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruổi, mái nhì, mái nâu xăm...

Lễ hội Chèo cạn, múa bông



Sau hò, là các điệu hát, với Hát nhà trò (ả đào), hát Kiều, Hát sắc bùa, Hát ví đúm, Hát bội, Hát đối, Hát ghẹo, Hát đồng dao, Hát ru... Đó là chưa nói đến ca dao, vè cũng khá phổ biến ở Quảng Bình.

Về múa dân gian cũng rất phong phú, mà điển hình là các điệu: Múa bông, Múa tứ linh, Múa bài đăng, Múa sư tử, Múa vòng...

Về nhạc cụ, ở Quảng Bình cơ bản có một số loại nhạc cụ truyền thống sau: đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn thập lục, sáo trúc (quyển), đàn bầu, đàn ống, khèn bè, trống bùm bùm, bộ gõ, kèn, pi, còi, kèn lá,...

Điểm đến

Quảng Bình là khu vực chuyển tiếp của văn hoá các miền trên cả hai chiều Bắc – Nam và Đông – Tây, đồng thời cũng là nơi tạo hoá để lại nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, mở ra khả năng phong phú cho phát triển nhiều loại hình du lịch như tham quan, thám hiểm, nghỉ ngơi, nghiên cứu du lịch sinh thái.

Quảng Bình có bốn khu danh thắng nổi tiếng là Đèo Ngang, Lý Hoà, cửa biển Nhật Lệ và Phong Nha. Bờ biển có một số bãi tắm và điểm nghỉ ngơi giải trí kỳ thú như Cửa Nhật Lệ, cảng Giang, vịnh Hòn La, bãi tắm Đá Nhảy, di tích Bàu Tró.

Đặc biệt Quảng Bình có vùng Karst trẻ Phong Nha - Kẻ Bàng – Him Nậm Nô rộng lớn (khoảng 200 nghìn ha) và là điển hình không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới.

Bên cạnh kho tàng di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên phong phú, Quảng Bình còn hấp dẫn du khách bởi hệ thống lễ hội và làng nghề độc đáo: Lễ hội đua thuyền (Lệ Thủy), Hội bài chòi (Đồng Hới), Lễ hội làng Thổ Ngọa (Quảng Trạch), Lễ hội làng Quyết Tiến (Quảng Ninh), Lễ hội đập trống của người Ma Coong (Thượng Trạch, Bố Trạch); nghề truyền thống bánh đa, bánh đúc, bánh xèo (Quảng Hòa, Quảng Trạch) và nghề truyền thống chiếu cói của làng An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy)...

CN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ