• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những biểu tượng “sống” cùng Sài Gòn

15/10/2014 08:55

(Cinet)- Nếu Văn miếu Quốc tử giám, cầu Long Biên, Nhà Hát lớn… là hình ảnh đại diện cho “trái tim hồng” Hà Nội, thì những cái tên như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố... lại trở thành biểu tượng của Hòn ngọc Viễn Đông.

Những biểu tượng “sống” cùng Sài Gòn

(Cinet)- Nếu Văn miếu Quốc tử giám, cầu Long Biên, Nhà Hát lớn… là hình ảnh đại diện cho “trái tim hồng” Hà Nội, thì những cái tên như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Chùa Vĩnh Nghiêm, Tòa nhà Tổng giám mục… đã đi vào lịch sử và trở thành biểu tượng của Hòn ngọc Viễn Đông. Dù đã hàng trăm năm tuổi nhưng những công trình này vẫn giữ được vẻ cổ kính, nét thanh lịch giữa lòng Sài Gòn hiện đại và tấp nập.

Đất Sài Gòn – Gia Định là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, điển hình là văn hóa Châu Âu được thể hiện đậm nét trong kiến trúc đặc trưng của những công trình cổ. Hầu hết những địa danh đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn đều do người Pháp xây dựng hoặc thiết kế. Kiến trúc Pháp ở Sài Gòn đã trở thành một qũy di sản kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, kết hợp hài hòa với các thành phần kiến trúc và cảnh quan đô thị truyền thống, tạo nên nét hấp dẫn riêng cho nơi đây.

Nhà thờ Đức Bà – tuyệt tác kiến trúc đô thị Sài thành

Nhà thờ Đức Bà được đặt viên đá đầu tiên bởi giám mục Isidore Colombert vào ngày 7/10/1877, khánh thành 3 năm sau (11/4/1880). Ngày 5/12/1959, Tòa thánh cho phép làm lễ "xức dầu", tôn phong Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn lên hàng tiểu Vương cung thánh đường (basilique).

Nhà thờ Đức Bà xứng đáng là một tuyệt tác kiến trúc, là một công trình tiêu biểu góp phần tạo nên diện mạo đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình cũng ghi nhận sự du nhập, giao lưu và tiếp biến của văn hóa - kiến trúc Đông - Tây.

Nhà thờ Đức Bà – tuyệt tác kiến trúc đô thị Sài thành



Ở đó kiến trúc sư đã thành công trong một thể loại công trình thuộc nền văn hóa Phương Tây nhưng xây dựng ở phương Đông; với những kết cấu và vật liệu mới, nhưng lại phù hợp với các điều kiện xã hội và khí hậu của bản xứ. Không chỉ những du khách ở xa đến, mà chính những người dân Sài Gòn hàng ngày đi qua vẫn trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp tráng lệ mà vẫn giản dị, uy nghiêm mà gần gũi. Trải qua bao năm tháng và biến động, công trình vẫn tồn tại giữa lòng Sài Gòn, như một dấu son đô thị.

Dinh Độc lập- Nơi lưu giữ dấu son lịch sử

Tiền thân của Dinh Độc lập là Dinh Thống đốc Nam kỳ tên Norodom, do kiến trúc sư người Pháp Hermite thiết kế năm 1868. Năm 1962, dinh được san bằng rồi xây mới theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và khánh thành năm 1966. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Dinh Độc lập trở thành một di tích có giá trị cao về mặt kiến trúc và là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn của lịch sử.

Dinh Độc lập - Nơi lưu giữ dấu son lịch sử



Điểm độc đáo trong kiến trúc của Dinh thự này được tạo nên khi trong quá trình thiết kế, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã chủ định tìm cho công trình một ý nghĩa văn hóa của dân tộc. Do vậy, mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ Phương đông và cá tính của dân tộc.

Chợ Bến Thành – biểu tượng thương mại Sài Gòn

Nhắc đến Sài Gòn, nhiều người nghĩ ngay đến chợ Bến Thành như một biểu tượng riêng biệt và đáng nhớ. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua ngôi chợ này đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay.

Chợ có quá trình lịch sử thăng trầm, gắn liền với những biến cố trên vùng đất Sài Gòn Gia Định. Chợ Bến Thành đang được đề cử là 1 trong Top 5 chợ đặc trưng ba miền được nhiều du khách đến tham quan mua sắm nhất.

Chợ Bến Thành – biểu tượng thương mại Sài Gòn



Nhìn chung kiến trúc của chợ ngày nay không có nhiều thay đổi với diện tích hơn 13.000 m2, 4 cửa chính là Đông, Tây, Nam, Bắc và 12 cửa phụ xen kẽ xung quanh. Song cách thức kinh doanh buôn bán của tiểu thương đã ngày càng hiện đại hơn.

Nhà hát Thành phố- Đặc trưng kiến trúc Pháp giữa Sài Gòn

Nhà hát Thành Phố do nhóm kiến trúc sư người Pháp Félix Olivier, Ernest Guichard, Eugène Ferret khởi công xây dựng từ năm 1898 theo phong cách flamboyant – một lối kiến trúc gothic rất thịnh hành ở Pháp những năm đầu thế kỷ XIX. Đến ngày 1–1–1900, việc xây dựng chính thức hoàn thành.

Do được thiết kế và xây dựng theo phong cách gothic nên đặc trưng trong kiến trúc của Nhà hát Thành Phố là sự kết hợp giữa kiến trúc và điêu khắc. Các bức phù điêu, tượng nổi, hoa văn trang trí… chạm trổ tinh xảo được tìm thấy ở cả bên trong lẫn bên ngoài nhà hát.

Nhà hát Thành phố- Đặc trưng kiến trúc Pháp giữa Sài Gòn



Trong lịch sử, Nhà hát Thành Phố đã trải qua nhiều lần thay đổi về mặt kiến trúc. Tuy nhiên đến nay, kiến trúc Pháp nguyên bản của nhà hát đã được phục chế gần như hoàn toàn với những nét đặc trưng vốn có như hai tượng nữ thần nghệ thuật, dải hoa vắt ngang cửa chính ở mặt tiền và mái nhà hát theo kiểu mansard.

Tòa nhà Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh

Tòa nhà Bảo tàng lịch sử TP HCM được xây dựng từ năm 1885 và hoàn thành năm 1890, theo đồ án của kiến trúc sư người Pháp là Alfred Foulhoux.

Tòa nhà Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh



Mục đích xây dựng ban đầu là làm nhà trưng bày sản phẩm Nam Kỳ nhưng xây xong Thống đốc Nam Kỳ lấy làm tư dinh. Sau năm 1975, tòa nhà được chọn làm Bảo tàng Cách mạng TP HCM, nay được gọi là Bảo tàng lịch sử TP HCM. Xây dựng lúc đầu hai bên cửa chính tòa nhà là hai bức tượng nữ thần. Năm 1943 viên thống đốc Haeffel tháo gỡ tượng và xây cửa có mái che như hiện nay.

Bưu điện trung tâm Sài Gòn – “người viết thư thuê xuyên thế kỷ”

Người dân Sài Gòn vẫn gọi Bưu điện trung tâm Sài Gòn là “người viết thư xuyên thế kỷ” như để nói về một người bạn tri âm, tri kỉ. Tòa nhà Bưu điện Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố được xây dựng từ năm 1886 đến năm 1991. Khác với các công trình kiến trúc đậm nét Pháp ở trên, Bưu điện Trung tâm Sài có nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu kết hợp với châu Á.

Bưu điện trung tâm Sài Gòn – “người viết thư thuê xuyên thế kỷ”



Mặt tiền của bưu điện được trang trí những bảng tên một số danh nhân Pháp như Laplace, Voltaire, Arage, cùng một số ô vuông trang trí được tạo hình quen thuộc... Trên vòng cung ngôi nhà có chiếc đồng hồ lớn. Bước chân vào phía trên trong, khách thấy hai bên tường cao là hai bản đồ lịch sử của Sài Gòn, các kiến trúc gothic và hơn 35 quầy phục vụ khách hàng. Hiện nay, nơi đây còn có các quầy bán đồ lưu niệm với các sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc Việt Nam.

Trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh – “Chứng nhân lịch sử”.

Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn được xem là trụ sở cấp tỉnh, thành phố đẹp nhất tại nước ta hiện nay. Không chỉ đẹp, đây còn là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès.

Trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh – “Chứng nhân lịch sử”.



Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Femand Gardès mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Thời Pháp thuộc, Chính giữa mặt tiền là một kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng một người phụ nữ mạnh khỏe tiêu biểu cho nước Pháp, một hình đứa bé đang chế ngự thú dữ, hai bức đắp nổi hai bên tiêu biểu cho nước Pháp cầm gương đi chinh phục thuộc địa. Phía trước dinh là một bãi cỏ rộng có ghế đá và bồn kèn - nơi ban nhạc của hải quân Pháp trình diễn cho công chúng xem.

Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm trước đây không có thay đổi đáng kể về kiến trúc tòa pháp đường chính. Chùa tọa lạc trên một khuôn viên rộng khoảng 6.000 m2 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM. Chùa Vĩnh Nghiêm tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20. Từ dưới sân lên tòa nhà trung tâm có ba cầu thang rộng gồm 23 bậc thang. Những dịp lễ tết, rằm, đông đảo phật tử, người dân thành phố đến chùa để khấn vái, cầu bình an.

Chùa Vĩnh Nghiêm



Tòa nhà Tổng giám mục

Tòa nhà Tổng giám mục có ba tầng với những ô cửa sổ mái vòm và lợp ngói đỏ. Tòa nhà nằm ở số 180 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, hiện nay (ảnh dưới) vẫn giữ nguyên nét kiến trúc so với hơn 100 năm.

CN

(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

NỔI BẬT TRANG CHỦ