• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều kỳ vọng trong chuyến thăm hiếm hoi tới châu Phi của nhà lãnh đạo Iran

Thế giới 12/07/2023 19:21

(Tổ Quốc) - Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã bắt đầu chuyến thăm hiếm hoi tới châu Phi để tìm cách tăng cường quan hệ đối tác trên toàn thế giới.

Theo AP, chuyến thăm của Tổng thống Ebrahim Raisi tới Kenya hôm thứ Tư là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Iran tới lục địa châu Phi trong một thập kỷ. Nhà lãnh đạo gần đây nhất của Iran đến thăm châu Phi là ông Mahmoud Ahmadinejad vào năm 2013. Ông Raisi cũng dự kiến sẽ đến thăm Uganda và Zimbabwe và gặp gỡ các nhà lãnh đạo ở đó.

Bước ngoặt mới

Hôm thứ Hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani mô tả chuyến đi này là "bước ngoặt mới" có thể thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại với các quốc gia châu Phi. Ông cũng cho biết việc nối lại quan hệ dựa trên "quan điểm chính trị chung" giữa Tehran và ba quốc gia châu Phi.

Tổng thống Raisi thông tin với các nhà báo trong một cuộc họp báo rằng châu Phi là một "lục địa của cơ hội" và là một điểm đến tuyệt vời cho các sản phẩm của Iran. Ông nói: "Cả hai bên đều không hài lòng với khối lượng giao dịch hiện tại".

Nhiều kỳ vọng trong chuyến thăm hiếm hoi tới châu Phi của nhà lãnh đạo Iran - Ảnh 1.

Tổng thống Iran đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ và kinh tế với khu vực châu Phi. Ảnh: Reuters.

Nhà lãnh đạo Iran đã đề cập cụ thể đến tài nguyên khoáng sản của châu Phi và kinh nghiệm hóa dầu của Iran. Bộ Ngoại giao Iran cho biết thương mại của Iran với các nước châu Phi sẽ tăng lên hơn 2 tỷ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, 5 biên bản ghi nhớ hợp tác được Cộng hòa Hồi giáo và Kenya ký hôm thứ Tư dường như chưa đề cập đến cả hai vấn đề này. Thay vào đó, họ đề cập đến thông tin, truyền thông và công nghệ; thủy sản; chăm sóc vật nuôi, chăn nuôi và xúc tiến đầu tư.

Tổng thống Kenya William Ruto cũng gọi Iran là "đối tác chiến lược quan trọng" và là một "cường quốc đổi mới toàn cầu". Ông bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng xuất khẩu nông sản của Kenya sang Iran và Trung Á ngoài sản phẩm chè hiện tại.

Ông Ruto cho biết Iran cũng dự định thành lập một nhà máy sản xuất các phương tiện đi lại của Iran tại thành phố cảng Mombasa của Kenya.

Ông Raisi sẽ bay tới Uganda để thảo luận về thương mại và quan hệ song phương với Tổng thống Yoweri Museveni, sau đó tới Zimbabwe.

Tăng cường các nỗ lực ngoại giao

Iran đã tăng cường ngoại giao trong những tháng gần đây để giảm bớt sự cô lập và bù đắp tác động từ các biện pháp trừng phạt được tái áp dụng kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế (JCPOA) được đàm phán kỹ lưỡng vào năm 2018.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran, chuyến thăm châu Phi của ông Raisi nhằm "thúc đẩy ngoại giao kinh tế, tăng cường quan hệ chính trị với các quốc gia thân thiện và liên kết, đồng thời đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu".

Tháng trước, nhà lãnh đạo Iran đã có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ Latinh, dừng chân ở Venezuela, Cuba và Nicaragua.

Vào tháng 3, Iran và Saudi Arabia đã đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao trong một bước đột phá ngoại giao lớn.

Iran vẫn đang chìm trong căng thẳng với các quốc gia phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này khi họ đã đạt được những tiến bộ lớn kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi JCPOA. Ông Trump cũng khôi phục các biện pháp trừng phạt đối với Tehran và góp phần khiến nền kinh tế nước này gặp nhiều khủng hoảng nghiêm trọng.

Tháng trước, Mỹ cũng đã cáo buộc Iran cung cấp cho Nga vật liệu để xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine đang diễn ra. Iran cho biết họ cung cấp máy bay không người lái cho Nga từ trước khi căng thẳng nổ ra.

Kenya là trung tâm kinh tế của Đông Phi và là đồng minh của Mỹ. Bà Jill Biden, Phu nhân của Tổng thống Joe Biden, đã đến thăm đất nước này vào đầu năm nay. Năm ngoái, Mỹ và Kenya đã ký một biên bản ghi nhớ về "hợp tác hạt nhân dân sự chiến lược". Kenya đã bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất năng lượng.

Đánh giá về cách tiếp cận châu Phi của Iran, chuyên gia cấp cao về Trung Đông Kamiar Babak, đã chia sẻ với Africanews: "Kể từ khi Mỹ đơn phương từ bỏ JCPOA), Teheran đã tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ của mình. Nhìn vào tiềm năng ở 3 quốc gia châu Phi này nói riêng và quy mô thị trường châu Phi nói chung, triển vọng thực sự có vẻ đầy hứa hẹn".

Tuy nhiên, ông Babak cũng nhìn nhận thận trọng: "Một số thỏa thuận chắc chắn sẽ được ký kết, nhưng điều quan trọng nhất là làm thế nào những thỏa thuận này có thể mang lại hiệu quả trong hai năm tới cho cả hai bên. Hãy xem chúng ta có thể mong đợi sự hợp tác lên tới mức độ nào trước các lệnh trừng phạt của Mỹ."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ