• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm gì để thoát nạn khi có cháy ở chung cư, nhà cao tầng?

Thời sự 15/09/2023 15:14

(Tổ Quốc) - Vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng tại chung cư mini ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội một lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy, chữa cháy và vấn đề cập nhật kiến thức thoát nạn cho người dân trong những tình huống xảy ra cháy.

Thoát nạn nhờ kiến thức phòng cháy

Chiều 15/9, tới nhà văn hóa tổ dân phố nhận cứu trợ, anh Nguyễn Công Huy (SN 1982) sống tại tầng 3 chung cư mini vừa bị cháy ở phố Khương Hạ cho biết, năm 2015, ngay khi về chung cư này ở, lập tức anh đã mua thang dây, bình cứu hỏa để ở ban công. Trước ban công nhà, anh làm song sắt nhưng để lại một cửa và chìa khóa để ở vị trí cả gia đình biết.

Đêm đó, cả gia đình đang ngủ thì bừng tỉnh khi nghe thấy tiếng tri hô lớn của mọi người, mở mắt ra thấy nhà có khói nhiều.

"Mở hé cửa tôi thấy sức nóng, khói cực lớn nên thấy không thể thoát ra bằng đường cầu thang, mà phải thoát ra đường ban công", anh Nguyễn Công Huy kể.

Làm gì để thoát nạn khi có cháy ở chung cư, nhà cao tầng? - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Công Huy bên cạnh chiếc thang dây đã cứu sống cả gia đình mình. (Ảnh: QĐND)

Lúc đó gia đình vẫn giữ bình tĩnh, vợ chồng bảo nhau chạy đi lấy khăn thấm nước để đưa lên miệng vào mũi nhằm ngăn khí độc vào phổi. Anh Huy nhanh chóng lấy chìa khóa ở vị trí định sẵn để mở cửa ở song sắt, sau đó thả thang dây xuống đất. Anh buộc chặt con nhỏ trên lưng rồi trèo từ thang dây xuống phía dưới. Khi đưa được cháu thứ nhất xuống thì anh tiếp tục lên và đưa con thứ hai xuống bằng biện pháp tương tự. Sau đó vợ anh Huy trèo xuống.

"Tôi có được những kỹ năng này là nhờ từ những buổi tập huấn ở trong bệnh viện – nơi tôi làm việc. Tôi đã về truyền đạt cho những thành viên trong gia đình để khi có hỏa hoạn thì còn biết cách xử lý tình huống", anh Nguyễn Công Huy nói.

Cũng thoát nạn nhờ những kiến thức phòng cháy học được, anh Lưu Văn Công (30 tuổi, quê Nam Định) chia sẻ, thời điểm xảy ra vụ cháy là khoảng 11h50, vợ chồng anh chuẩn bị ngủ thì bỗng nhiên mất điện. Lúc này, nghe nhiều người hô hoán cháy, nên anh dắt vợ chạy xuống tầng 2 nhưng lửa từ tầng 1 đã thốc lên, cùng khói đen đặc.

Thấy vậy, vợ chồng anh Lưu Văn Công chạy lên ban công tầng 9 nhưng cũng bị sức nóng kèm khói lớn bốc lên. Thấy không thể thoát khỏi tòa nhà, anh Công bình tĩnh kéo vợ về phòng, đóng kín cửa, lấy quần áo trong tủ ra, thấm nước ướt đẫm để che mũi miệng, rồi chạy ra ngoài ban công bật điện thoại báo hiệu. Khoảng gần 4h sáng, vợ chồng anh được lực lượng cứu hộ cứu sống.

Khi phát hiện vụ cháy, bất kể là đám cháy to hay nhỏ cần nhanh chóng thoát khỏi tòa nhà

Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 12 (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội), với vụ cháy mà lối ra duy nhất đã bị bịt kín như trường hợp ở Khương Hạ, khi không có thang dây để thoát nạn, mọi người có thể tập hợp vào một phòng có thể mở được cửa sổ; nỗ lực ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa bằng khăn trải giường, chăn, quần áo nhúng ướt nước hoặc băng dính. Sau đó, đứng gần cửa sổ để hít thở và tri hô giúp đỡ.

Làm gì để thoát nạn khi có cháy ở chung cư, nhà cao tầng? - Ảnh 2.

Nhiều nạn nhân là trẻ em trong vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư mini tại Khương Hạ.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến cho biết, khi phát hiện vụ cháy, bất kể là đám cháy to hay nhỏ, người dân cần nhanh chóng thoát khỏi tòa nhà, không cố thu những đồ có giá trị hay đi tìm vật nuôi trong nhà. Trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm, không mở cửa vì có thể bên ngoài đang cháy tạo ra nhiệt và khói, mở cửa sẽ khiến khói và lửa luồn vào nhà.

"Hãy dùng mu bàn tay để thử, không dùng lòng bàn tay. Vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ cản trở việc thoát thân của bạn khi bạn bò hay xuống thang cứu nạn", Thượng tá Đỗ Anh Quyến lưu ý.

Khi không thể ra ngoài, nếu khói đã lan vào phòng, thì người dân hãy bò dưới sàn nhà, vì không khí sạch hơn ở gần sàn nhà, để mũi càng thấp càng tốt. Còn nếu thấy có thể ra ngoài bằng thang thoát hiểm hay chạy lên tầng thượng để chờ cứu hộ đến giải cứu, thì hãy sử dụng mặt nạ phòng độc hoặc khăn, quần áo thấm ướt nước để ngăn chặn việc hít phải khí độc.

Chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy

Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an cho biết, hiện nay, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) chưa được chủ đầu tư, Ban quản lý, Ban quản trị của các chung cư, nhà ở hộ gia đình quan tâm đúng mức, thậm chí một bộ phận người đứng đầu không nắm vững, thiếu kiến thức về công tác PCCC và CNCH.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, thiếu kỹ năng, kiến thức về PCCC và CNCH nên khi xảy ra sự cố cháy lực lượng PCCC tại chỗ, người dân thường hoảng loạn và mất bình tĩnh dẫn đến hiệu quả tổ chức chữa cháy tại chỗ không cao, không phát huy được phương châm 4 tại chỗ.

Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH đối nhà cao tầng trong quá trình hoạt động, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn nhấn mạnh, chủ hộ gia đình, thành viên trong gia đình trong các chung cư, nhà ở hộ gia đình phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy (PCCC) quy định tại Khoản 3a, 3b Điều 5 Luật số 40/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Trong đó, nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

Phải kiểm tra thường xuyên về an toàn PCCC đối với hộ gia đình; Bố trí sắp xếp vật dụng, nội thất, hàng hóa trong nhà phải bảo đảm ngăn cháy lan; lắp đặt và sử dụng hệ thống, thiết bị điện an toàn; quản lý chặt chẽ trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, chất, hàng hóa dễ cháy, nổ, sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy trong nhà, không để tiềm ẩn, phát sinh cháy, nổ.

Bên cạnh đó, trang bị bình chữa cháy xách tay, lắp đặt thiết bị báo cháy tự động để kịp thời phát hiện, tổ chức thoát nạn, chữa cháy; duy trì lối thoát khẩn cấp qua ban công, lôgia phù hợp với điều kiện thực tế của căn hộ; xây dựng và thường xuyên thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn của hộ gia đình.

Làm gì để thoát nạn khi có cháy ở chung cư, nhà cao tầng? - Ảnh 3.

Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất cháy, nổ

Đối với công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo, khi xảy ra sự cố cháy, nổ người dân cần nhanh chóng báo động cho tất cả mọi người biết khi phát hiện cháy; đồng thời báo ngay cho lực lượng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH qua số 114.

Nhanh chóng ngắt điện hoặc thông báo người có trách nhiệm kịp thời cắt điện khu vực xảy cháy; Cứu người bị nạn hoặc hướng dẫn thoát nạn (nếu có) Sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ (như bình chữa cháy, vòi nước chữa cháy) để dập lửa; sơ tán tài sản ngăn cháy lan đồng thời phối hợp với lực lượng PCCC cơ sở, Cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện các nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo phân công.

Trường hợp đám cháy lớn, diễn biến phức tạp, nguy hiểm phải nhanh chóng thoát nạn an toàn bằng các biện pháp sau:

Khi phát hiện có cháy ở nhà cao tầng cần bình tĩnh suy sét, tìm lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn thoát nạn "EXIT" hoặc nghe thông báo chỉ dẫn qua loa chỉ dẫn.

Quá trình thoát nạn hãy thông báo cho các căn phòng lân cận biết có cháy để cùng xử lý và thoát nạn. Nếu phải băng qua lửa, khói, khí độc hãy dùng mặt nạ phòng độc hoặc dùng chăn, áo, khăn ướt trùm lên đầu, che bịt kín miệng mũi.

Khi di chuyển cần thấp người (như cúi khom hoặc bò) và men theo tường. Khi mở cửa cần mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ của cửa; khi mở cần tránh mặt, tránh người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nếu nhiệt độ cửa quá cao, tuyệt đối không được mở cửa và tìm ngay lối thoát khác.

Nếu không có lối thoát khác hoặc không thể ra cửa, hay nhanh chóng di chuyển ra ban công, cửa sổ và hô tô, ra hiệu bằng dùng đồ vật sáng màu. Gọi điện thoại báo cho Cảnh sát PCCC&CNCH số 114 hoặc báo cho người thân.

"Có thể dùng thang, dây, rèm, ga nối lại để xuống đất. Tuyệt đối không nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng CNCH", Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ khuyến.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ