• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế Ấn Độ - một điểm sáng tăng trưởng

Kinh tế 29/09/2015 06:07

(Toquoc)-Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thăm Mỹ để kêu gọi đầu tư nước ngoài.

(Toquoc)-Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thăm Mỹ để kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Trong khi phần lớn các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới gặp khó khăn, Ấn Độ lại nổi lên như một điểm sáng của tăng trưởng và ổn định. Các hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế đều nhận định Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn đang có nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Chính phủ Ấn Độ đang triển khai một loạt biện pháp cải cách và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, các chỉ số kinh tế của Ấn Độ vẫn khả quan hơn nhiều. Kinh tế Ấn Độ trong quý 2/2015 tăng trưởng 7%.

Tờ Le Figaro (Pháp) cho biết trong khi kinh tế Trung Quốc đang chững lại, thì nền kinh tế Ấn Độ hiện đang vận hành với một tốc độ nhanh hơn. Điều này đủ để cho Ấn Độ nuôi hy vọng trở thành “công xưởng mới của thế giới”.



Thủ tướng Modi thăm Thung lũng Silicon, kêu gọi giới công nghệ cao đầu tư vào Ấn Độ

Tranh thủ, lôi kéo các nhà đầu tư lớn của Mỹ

Trong chuyến công du Mỹ lần này, Thủ tướng Modi đã đến thung lũng Silicon ở San Jose, bang California, để gặp lãnh đạo các công ty công nghệ hàng đầu, đồng thời tranh thủ thuyết phục cộng đồng Ấn kiều về nước đầu tư. Ông Modi nhấn mạnh chính phủ nước này đang nỗ lực xây dựng Ấn Độ như một “thiên đường” cho các nhà đầu tư thông qua việc bãi bỏ và giảm bớt các quy định và đảm bảo điều kiện dễ dàng trong kinh doanh. Thủ tướng Nodi cam kết hướng tới mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế Ấn Độ từ mức 8.000 tỷ USD lên 20.000 tỷ USD. 

Tại California, ông Modi đã gặp lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook, Microsoft, Uber…, nhằm thu hút sự quan tâm của họ vào Ấn Độ thời kỳ kỹ thuật số. Những người đứng đầu các hãng công nghệ khổng lồ này đang hướng hoạt động tới Ấn Độ.

Travis Kalanick, Giám đốc điều hành của hãng Uber, đã thảo luận với ông Modi về tương lai “ứng dụng di động đô thị” tại Ấn Độ. Google cam kết sẽ sớm giúp Ấn Độ thiết lập mạng Wi-Fi miễn phí tại 500 ga tàu. Microsoft hứa sẽ trang bị công nghệ kết nối Internet băng thông rộng với giá thấp cho khoảng 500.000 ngôi làng tại Ấn Độ. Ấn tượng trước chương trình “Ấn Độ kỹ thuật số” của ông Modi, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết sẽ công bố về các hệ thống máy điện toán đám mây từ các trung tâm dữ liệu ở Ấn Độ vào tuần tới, coi đây như một cột mốc lớn về dầu tư công nghệ tại nước này. Giám đốc điều hành của Facebook Mark Zuckerberg cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến “Ấn Độ kỹ thuật số” và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ về kết nối và mở rộng ứng dụng Internet ở nông thôn. 

Các cuộc tiếp xúc của ông Modi với các công ty hàng đầu tại California là một cột mốc mới trong vị thế quốc tế gia tăng của Ấn Độ với những tác động lớn hơn dự kiến. 

Tranh thủ Ấn kiều

Ấn Độ có một cộng đồng Ấn kiều mạnh hoạt động trong nhiều lĩnh vực quan trọng của nước Mỹ, tạo thành những nhóm vận động hành lang quan trọng. Điều này đã đóng góp không nhỏ vào việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn lên tầm cao mới. Tất nhiên sự điều chỉnh chiến lược đã đến từ cả hai phía. Phía Ấn Độ bắt đầu từ lúc Narendra Modi lên cầm quyền.

Phát biểu tại cuộc gặp với sự tham dự của 18.500 người Mỹ gốc Ấn ở trung tâm SAP, thuộc San Jose ngày 27/9, ông Modi nói rằng thế kỷ 21 là “thế kỷ của Ấn Độ”. Trong 16 tháng qua, kể từ khi Chính phủ Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) do ông Modi đứng đầu lên nắm quyền, sự nhìn nhận của thế giới về Ấn Độ đã thay đổi mạnh mẽ. Thế giới đang nhìn vào Ấn Độ với một tầm nhìn mới. Ông tin tưởng vào thành công của Ấn Độ vì 65% dân số nước này ở độ tuổi dưới 35.

Việc nền kinh tế Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn chứng minh lĩnh vực dịch vụ đang phát triển và thị trường tiêu dùng trong nước ngày càng tăng.

Lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn một nửa tổng giá trị nền kinh tế Ấn Độ và 2/3 số doanh nghiệp dịch vụ có tăng trưởng trong quý 2 vừa qua.

Không bị ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế Trung Quốc

Phát biểu với báo giới tại Hong Kong ngày 22/9, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley bày tỏ tin tưởng rằng Ấn Độ sẽ vượt qua được những rối loạn kinh tế-tài chính toàn cầu mà không bị ảnh hưởng nhiều. Theo báo Le Monde, Ấn Độ là một trong số hiếm hoi các nước không bị ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc. Ấn Độ là nước nhập khẩu, được hưởng lợi rất nhiều từ hiện tượng giá nguyên nhiên liệu thế giới giảm.

Hơn nữa, Ấn Độ không lệ thuộc vào Trung Quốc về xuất khẩu, dù bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Việc đồng nhân dân tệ bị phá giá cũng không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Ấn Độ, vốn dĩ không chịu một áp lực cạnh tranh nào với đối thủ Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, tờ Le Monde nhận định giấc mơ hóa rồng của Ấn Độ là cả một hành trình dài. Đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ vẫn rất hạn chế, do còn nhiều cản trở về mặt thủ tục hành chính, nhân công dồi dào nhưng thiếu tay nghề, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém.

Nền kinh tế với số lượng người tiêu dùng lớn thứ hai thế giới có thể chưa sẵn sàng trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley tuyên bố đây là lúc Ấn Độ cần nắm lấy cơ hội đẩy nhanh cải cách cơ cấu để có thể tranh thủ được những điều kiện quốc tế trong bối cảnh đối thủ Trung Quốc đang gặp khó khăn về kinh tế./.

Linh Hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ