• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh nghiệm rèn luyện cho VĐV trẻ tại Mỹ là bài học tốt cho các nhà huấn luyện Việt Nam

Thể thao 26/09/2023 20:15

(Tổ Quốc) - Theo tờ Washington Post, đối với những vận động viên trẻ chuyên chơi một môn thể thao, tỷ lệ chấn thương tương đối cao. Các nhà huấn luyện cần biết cách hỗ trợ họ phát triển toàn diện và giảm đi nguy cơ mắc chấn thương ngay từ khi còn trẻ.

Trong một nghiên cứu năm 2015 tập trung vào 1.190 vận động viên từ 7 đến 18 tuổi tại Mỹ, việc tập luyện chuyên một môn thể thao được xác định là một yếu tố gia tăng nguy cơ chấn thương.

Trong một nghiên cứu khác, đánh giá quá trình tập luyện của 546 vận động viên đến từ bang Kentucky, bao gồm các nữ vận động viên bóng rổ, bóng đá và bóng chuyền chuyên nghiệp, nguy cơ bị đau đầu gối do hoạt động quá mức của họ cao hơn các vận động viên khác hơn 50%. Ông Greg Myer, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thể thao Emory, cho rằng chuyên môn hóa thể thao từ sớm làm giảm khả năng thích ứng của thần kinh cơ và điều này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ chấn thương.

Và không chỉ về mặt thể chất, việc huấn luyện chuyên môn hóa từ sớm cũng có liên quan đến các bệnh về tinh thần.

Dù có những nguy cơ như vậy, có tới 30% vận động viên trẻ ngày nay vẫn huấn luyện chuyên biệt hóa từ sớm và hoàn toàn bỏ qua các hoạt động thể thao khác.

Kinh nghiệm rèn luyện cho VĐV trẻ tại Mỹ là bài học tốt cho các nhà huấn luyện Việt Nam - Ảnh 1.

Việc tập luyện chuyên biệt hóa từ sớm gia tăng nguy cơ chấn thương ở các VĐV trẻ. Ảnh minh họa: iStock.

Ông Neeru Jayanthi, đồng Giám đốc chương trình Y học Thể thao Thanh thiếu niên của tập đoàn Emory Healthcare, cho biết: "Mặc dù chuyên môn hóa thể thao từ sớm có một số mặt tiêu cực nhưng các vận động viên trẻ vẫn tiếp tục theo đuổi con đường này". Vì vậy, thay vì cố gắng can ngăn các vận động viên trẻ làm như vậy, cần có những biện pháp giúp họ hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần, chuyên gia Jayanthi cho hay.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Sports Health, Jayanthi và những chuyên gia khác đưa ra nhận định rằng các vận động viên trẻ chỉ tập trung vào một môn thể thao nên được hướng dẫn để sớm nhận ra triệu chứng của chấn thương, ví dụ, các cơn đau hoặc vết sưng tấy kéo dài hơn một tuần.

Các vận động viên có kinh nghiệm, huấn luyện viên và những người hành nghề y học thể thao khi theo dõi cường độ luyện tập của các trẻ vị thành niên cũng cần theo dõi mức độ luyện tập của các em, cũng như thường xuyên đánh giá mô hình vận động và thần kinh cơ.

Ông Jayanthi cho hay, điều phụ huynh và huấn luyện viên cần quan tâm là giữ cho các vận động viên nhí khỏe mạnh, hỗ trợ họ trong quá trình luyện tập và giúp họ tránh được nguy cơ chấn thương ngày càng tăng khi huấn luyện thể thao chuyên biệt.

VĐV thanh thiếu niên nên luyện tập như thế nào?

Stacey Schley, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Boston, Mỹ cho biết một nguyên tắc cơ bản là các vận động viên trẻ nên tập luyện ít giờ/tuần hơn so với độ tuổi của họ. Bà Schley nói: "Ví dụ, nếu các em 12 tuổi, các em không nên tập luyện quá 12 giờ mỗi tuần. Nếu con số này bị vượt quá, nguy cơ chấn thương sẽ gia tăng".

Nguyên tắc thứ 2 là khuyến khích trẻ hoạt động tự do, chẳng hạn như bơi lội vào mùa hè hoặc thoải mái chạy nhảy vào giờ ra chơi. Bà Schley nói: "Có một nguyên tắc gọi là tỷ lệ luyện tập trong thể thao. Cụ thể, thời gian tập luyện thể thao có tổ chức chỉ được phép gấp 2 lần thời gian hoạt động thể chất tự do (Ví dụ, khi yêu cầu các em tập luyện chuyên biệt 12 giờ/ tuần, các em phải có 6 giờ vui chơi tự do. Nếu quá tập trung vào huấn luyện chuyên môn thì nguy cơ chấn thương cũng tăng lên".

Chuyên gia Jayanthi cũng cho hay: Cần điều chỉnh thời gian luyện tập và thi đấu tùy theo độ tuổi. Trong giai đoạn thanh thiếu niên tăng trưởng nhanh, thường ở độ tuổi 9 hoặc 10 ở bé gái và 11 hoặc 12 ở bé trai, các em có nguy cơ gặp chấn thương cao hơn nếu luyện tập quá nhiều ở những bộ phận đang phát triển mạnh, chẳng hạn như các khớp xương hay gân.

Các kỹ năng vận động đa dạng rất quan trọng

Việc chuyên môn hóa thể thao từ sớm giúp các VĐV phát triển thành thạo nhiều kĩ năng vận động chuyên biệt, tuy nhiên, không thể phát triển cá nhân thành một vận động viên toàn diện. Việc cho phép họ chơi các môn thể thao khác nhau sẽ giúp phát triển các kỹ năng vận động đa dạng và đây là điều sẽ giúp bổ trợ cho môn thể thao chính.

Nếu không thể tạo điều kiện cho các VĐV trẻ tiếp xúc với các môn thể thao khác, một giải pháp thay thế là có thể dạy họ đa dạng các kĩ năng, kiến thức và tiếp xúc với một số động tác từ các môn thể thao khác. Đây là điều chương trình về tennis tại Đại học Emory đang thực hiện với các VĐV trẻ.

Ông Jayanthi nói: "Trong chương trình quần vợt ở đây, học viên có thể tập luyện các bài tập hoặc có nhiều động tác khởi động lấy cảm hứng từ các môn thể thao khác, ví dụ như học cách rê bóng hoặc ném bóng vào rổ (trong môn bóng rổ) hay học cách di chuyển để đá một quả bóng hoặc chiến lượng phòng thủ (trong môn bóng đá)."

Kiki Prather, một vận động viên bóng chuyền 17 tuổi đến từ Flowery Branch, Mỹ, đã tham gia huấn luyện cùng ông Myer tại Trung tâm nghiên cứu thể thao Emory khi còn là học sinh năm nhất trung học. Prather, hiện là một VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp, đã có những kĩ năng khi tập luyện để ngăn ngừa chấn thương: "Với những động tác cụ thể như giao bóng, tôi chú ý đến cách chọn vị trí đứng và tư thế, đồng thời lưu ý không hoạt động quá sức hoặc tiếp đất sai cách. Việc học hỏi và tập luyện đa dạng các động tác đã giúp tôi cảm thấy huấn luyện ổn định hơn rất nhiều cũng như có kỹ thuật nhảy và tiếp đất tốt hơn".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ