• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hướng đến mùa lễ hội 2024 văn minh, lành mạnh, an toàn, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống

Văn hoá 25/01/2024 08:06

(Tổ Quốc) - Thời điểm Tết nguyên đán đang đến gần cũng là lúc mùa lễ hội Xuân sắp tới. Nhiều yêu cầu đặt ra đối với các địa phương như phải đổi mới, sát sao, quyết liệt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hướng đến một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, an toàn, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt năm nay, nét mới của mùa lễ hội 2024 là việc lần đầu tiên "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ VHTTDL ban hành ngày 3/8/2023 sẽ được các địa phương triển khai.

Hà Nội: Không để xảy ra mê tín, dị đoan

Ngày 15/01/2024, UBND thành phố Hà Nội chính thức ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, năm nay lễ hội sẽ được tổ chức theo tinh thần tiết kiệm, trang trọng, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và du lịch trên địa bàn thành phố.

Hướng đến mùa lễ hội 2024 văn minh, lành mạnh, an toàn, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống - Ảnh 1.

Hà Nội đặt mục tiêu năm 2024, có 70% các lễ hội bảo đảm các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, đồng thời phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (ảnh minh họa)

UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, nhân dân trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng lối sống, ứng xử văn minh trong gia đình, cộng đồng và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm, giảm bớt những hiện tượng phản cảm trong văn hóa ứng xử, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức lễ hội, ban tổ chức lễ hội thực hiện rà soát, lập danh sách các lễ hội; thành lập, phê duyệt quy chế làm việc của ban tổ chức lễ hội; chịu trách nhiệm về hoạt động của ban tổ chức lễ hội, về công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định. Công bố công khai quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí trong khu vực lễ hội, thực hiện việc quản lý, đốt vàng mã đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích; nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ tại các di tích và lễ hội. Việc tổ chức sắp xếp các dịch vụ phục vụ du khách phải có biển chỉ dẫn sơ đồ các khu vực trong khuôn viên di tích; sắp xếp hợp lý nơi sắp lễ, giá để đồ lễ, nơi dâng lễ, đốt hương, hóa sớ; xem xét, bố trí hợp lý nơi thắp hương bảo đảm an toàn và phòng, chống cháy nổ cho di tích; có bảng tóm tắt giới thiệu lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hóa nghệ thuật của di tích…

Về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, các cấp, các ngành tổ chức sắp xếp hợp lý các dịch vụ phục vụ du khách; khuyến khích mỗi di tích chỉ đặt một lư hương chung phục vụ người hành lễ, khách tham quan và người hành lễ không đặt tiền lễ, tiền công đức lên các ban thờ hoặc gài vào tiền lẻ vào đồ lễ, tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích. Bố trí nơi chứa rác thải, nhà vệ sinh bảo đảm tiện lợi cho nhân dân. Quy hoạch sắp xếp hệ thống hàng quán dịch vụ khoa học, hợp lý, nơi trông giữ phương tiện giao thông thuận tiện cho nhân dân. Nghiêm cấm mua bán ấn phẩm văn hóa chưa được phép lưu hành, phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an ninh trật tự, xóa bỏ các tệ nạn xã hội…".

Một trong những nội dung mới của công tác lễ hội năm 2024 tại Hà Nội, đó là triển khai bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Đặt mục tiêu năm 2024, có 70% các lễ hội tại Hà Nội bảo đảm các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, đồng thời phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đồng thời, Thành phố cũng công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về lễ hội. Cấp Thành phố: số điện thoại đường dây nóng: 0965.404.557. Các quận, huyện cũng sẽ công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị mình.

UBND thành phố và Sở Văn hóa, Thể thao cũng tăng cường công tác kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 trên địa bàn để xử lý kịp thời những sai phạm, tiêu cực trong hoạt động tổ chức lễ hội, vi phạm Luật Di sản văn hóa, xâm hại di tích và ảnh hưởng đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng để lễ hội phát triển lành mạnh, đúng hướng; xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh…

Hướng đến mùa lễ hội 2024 văn minh, lành mạnh, an toàn, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống - Ảnh 2.

Các lễ hội năm 2024 sẽ được tổ chức theo tinh thần tiết kiệm, trang trọng, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình Bùi Minh Hoàng cho biết, hiện nay, Sở VHTT đẩy mạnh tuyên truyền nhằm, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Sở cũng yêu cầu các địa phương chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, của lễ hội; giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với những lễ hội có yếu tố sông nước (các hoạt động rước nước, chèo thuyền trên sông) phải bảo đảm an ninh, an toàn cho những người tham gia.

Bắc Ninh: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Bắc Ninh - Kinh Bắc từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng; được biết đến là xứ sở của lễ hội với 600 lễ hội hằng năm. Các lễ hội phân bổ rộng khắp ở các địa phương trong toàn tỉnh, tập trung chủ yếu trong 3 tháng đầu năm gắn với không gian và hoạt động tín ngưỡng tại các di tích lịch sử - văn hóa.

Trong đó, có 2 lễ hội được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội Đồng Kỵ, lễ hội làng Diềm. Nhiều lễ hội của Bắc Ninh có tầm ảnh hưởng rộng về không gian, giá trị văn hóa và thu hút số lượng đông đảo nhân dân, du khách tham gia các hoạt động như: Lễ hội Lim, Lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, lễ hội gắn với hoạt động tín ngưỡng tại đền Bà Chúa Kho...

Hướng đến mùa lễ hội 2024 văn minh, lành mạnh, an toàn, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống - Ảnh 3.

Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội; đặc biệt, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp (ảnh minh họa: Người dân trẩy hội Đền Bà Chúa Kho)

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Xuân Trung cho biết mùa lễ hội năm 2024, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp.

Năm 2024, nhằm quản lý lễ hội đầu Xuân hiệu quả, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội; đặc biệt, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Ngoài ra, tỉnh rà soát kế hoạch tổ chức lễ hội, điều chỉnh tần suất, quy mô phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, điều kiện để lễ hội diễn ra đảm bảo an toàn, bảo vệ di sản văn hóa, cảnh quan, bảo đảm về trật tự xã hội, phòng, chống cháy, nổ, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; chỉ đạo đồng bộ công tác quy hoạch không gian tổ chức lễ hội, bố trí các khu vực vui chơi giải trí và khu vực tổ chức các hoạt động dịch vụ bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích…

Tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường. Tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ