• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành trình Di sản: Thăm quan đền tháp Mỹ Sơn, thưởng thức điệu Siva kỳ bí

10/07/2014 10:24

(Cinet) – Là một di sản thế giới nằm tại miền Trung trên địa phận tỉnh Quảng Nam, Thánh địa Mỹ Sơn không chỉ là một điểm đến đẹp mà còn là nơi chứa đựng nhiều điều kỳ bí để khám phá.

Vẻ đẹp kỳ bí, đầy lôi quấn tại thánh địa Mỹ Sơn

(Cinet) – Là một di sản thế giới nằm tại miền Trung trên địa phận tỉnh Quảng Nam, Thánh địa Mỹ Sơn không chỉ là một điểm đến đẹp mà còn là nơi chứa đựng nhiều điều kỳ bí để khám phá.

Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km về hướng Tây Nam và khoảng 40 km từ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể các khu đền đài của vương quốc Chămpa xưa. Hầu hết du khách đã từng đến nơi này đều có chung cảm xúc về sự kỳ bí, lôi cuốn khó cưỡng lại mà không gian, cảnh quan ở đây mang đến. Sự kỳ bí đó không chỉ đến từ những công trình kiến trúc rêu phong đã nhuốm màu thời gian, không chỉ bởi không gian đậm mùi quá khứ mà nó còn đến từ lịch sử huy hoàng của đế chế Chăm Pa, đến từ điệu múa Siva rực rỡ….

Nằm gọn trong một thung lũng, xung quanh là đồi núi, khu vực này đúng như tên mà người đời gọi “thánh địa” – khu vực bất khả xâm phạm. Thánh địa ngày nay chỉ còn khoảng 70 công trình kiến trúc lớn nhỏ nằm rải rác trên 9 ngọn đồi núi trong thung lũng. Đây là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo tại khu vực Đông Nam Á. Với lịch sử xây dựng và phát triển liên tục suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13), các đền tháp nơi đây có nhiều kiểu thức kiến trúc phong phú, song nhìn chung các đền tháp có tư thế vút lên cao biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết của ngọn núi Mêru (Ấn Độ). Hầu hết các đền tháp và các công trình phụ đều được xây bằng gạch với một kỹ thuật tinh tế. Các mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch được chạm khắc dựa theo các thần thoại Ấn Độ giáo … Sự kết hợp hài hòa với những mô típ chạm trổ tinh xảo trên các mảng tường gạch ngoài tháp đã tạo cho quần thể đền tháp Mỹ Sơn vẻ đẹp mỹ miều sinh động mang những nét đặc trưng nhất của các phong cách nghệ thuật Chămpa.

Dù đến Mỹ Sơn vào buổi sáng sớm hay khi hoàng hôn buông, du khách vẫn thấy nguyên vẹn sự bí ẩn bao trùm không gian thánh địa này.



Tại thánh địa Mỹ Sơn không có những công trình lớn mà hầu hết  chỉ được xây dựng với kích thước vừa và nhỏ, song kiến trúc của Mỹ Sơn hội tụ đủ những tinh hoa của người nghệ sĩ, sự kết hợp giữa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chămpa xưa để  tạo nên một quần thể đền tháp uy nghiêm và kỳ bí.

Trong không gian rêu phong nhuộm màu thời gian, những công trình đến tháp cùng với những bức tượng, phù điêu trở nên hấp dẫn và thu hút đặc biệt



Khi đến thăm quan Mỹ Sơn, du khách sẽ được hướng dẫn tham quan các cụm di tích theo khu vực. Bắt đầu từ trên đồi cao ở khu A, tại đây du khách có thể nhìn bao quát hết khu vực thánh địa Mỹ Sơn. Khu A gồm một tháp chính và 4 tháp phụ nằm trên ngọn đồi phía đông. Những ngôi tháp không còn nóc, những pho tượng không còn đầu, cây cỏ chen vai sát cánh với những tấm bia luôn thu hút sự tìm tòi khám phá của du khách. Qua đến khu B, du khách sẽ được tham quan một tháp chính và 3 tháp phụ nằm trên ngọn đồi phía tây. Khu C gồm các tháp và di tích nằm ở phía nam, là khu vực tiêu biểu nhất của Mỹ Sơn. Nơi đây các đền tháp, bia ký, tượng đài, phù điêu và các tác phẩm điêu khắc còn nhiều và rất đa dạng. Một dòng suối uốn lượn quanh co làm cho nơi này trở thành điểm tham quan hấp dẫn. Khu D là khu cuối cùng với 12 công trình kiến trúc tháp và các di tích..

Điệu múa Siva kỳ bí càng làm tăng thêm vẻ mê hoặc, huyền ảo nơi thánh địa



Sức hấp dẫn từ những công trình đền tháp được tạo nên từ gạch nung và đá sa thạch, biểu hiện cho một nền văn hóa tồn tại từ hàng nghìn năm trước là điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu đến thăm Mỹ Sơn mà bỏ qua việc thưởng thức điệu múa Siva kỳ bí nơi đây. Trong không gian tĩnh lặng của thung lũng thần linh, du khách dường bị mê hoặc bởi vũ điệu Siva. Vũ điệu được người vũ công thể hiện đầy uyển chuyển, quyến rũ mang màu bí ẩn. Trong điệu múa Siva, âm nhạc Chăm là một yếu tố cực kỳ đặc biệt. Đó là sản phẩm tinh thần được kết tinh từ một đế chế hùng mạnh, một nền văn hoá phát triển rực rỡ hàng trăm năm trước. Điệu múa tôn giáo này ca ngợi sức mạnh của thần Siva, tiêu diệt những lực lượng đen tối như hổ, rắn, quỷ lùn Muyalaca. Điệu múa làm mê say, thức tỉnh vạn vật. Theo Ấn Độ giáo thì Siva là một trong ba vị thượng đẳng linh thần: Thần Hủy diệt (Siva), Bảo tồn(Visnu), và thần Sáng tạo (Brahma). Với người Chăm, múa Siva là nghệ thuật mang màu sắc tôn giáo, có yếu tố thần bí, đồng thời vô cùng quyến rũ đối với người thưởng thức. Những điệu múa được biểu diễn trong không gian mờ ảo của khói sương, cổ kính trầm mặc những tòa tháp. Sự kết hợp đó đã tạo nên màu sắc đầy mê hoặc, thu hút khiến người xem không thể rời mắt..

Ban quản lý Khu di tích Mỹ Sơn đã tổ chức biểu diễn vũ điệu Siva và âm nhạc truyền thống Chăm tại khu di tích Mỹ Sơn từ năm 2004. Đến nay, có 3 suât diễn được tổ chức mỗi ngày để phục vụ khách thăm quan.

Dù đến thung lũng vào sáng sớm hay khi hoàng hôn, du khách vẫn sẽ thấy nơi này luôn được bao bọc bởi sự lung linh, huyền ảo của màu nắng. Tiếng gió rì rào đùa nhau qua các ngọn đồi, thổi qua các khu đền tháp bỗng trở thành tiếng nhạc như nhịp trống baranưng bập bùng làm vũ điệu Siva càng thêm say đắm…

Lan Hương

(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)


 

NỔI BẬT TRANG CHỦ