Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Đối ngoại Việt Nam trong năm 2022 đã đạt được rất nhiều những thành tựu nổi bật, trong đó trọng tâm là Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch và mở cửa tìm đến các cơ hội phát triển hoạt động kinh tế - xã hội và hội nhập giao lưu quốc tế. Bước sang năm 2023, ngành ngoại giao Việt Nam tiếp tục phát huy các thế mạnh và chủ động khẳng định vai trò của Việt Nam trên thế giới.

Đối ngoại 2022 và chuẩn bị tâm thế cho năm 2023

(Tổ Quốc) - Đối ngoại Việt Nam trong năm 2022 đã đạt được rất nhiều những thành tựu nổi bật, trong đó trọng tâm là Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch và mở cửa tìm đến các cơ hội phát triển hoạt động kinh tế - xã hội và hội nhập giao lưu quốc tế. Bước sang năm 2023, ngành ngoại giao Việt Nam tiếp tục phát huy các thế mạnh và chủ động khẳng định vai trò của Việt Nam trên thế giới.

2022 - Hàng loạt các hoạt động đối ngoại quan trọng

Hàng loạt các hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo cấp cao và các cấp đã diễn ra trong năm 2022. Theo thống kê, đã có gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt cả trực tiếp và trực tuyến; trong đó có 14 đoàn ra và 19 đoàn vào; nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác cụ thể, thực chất được ký kết nhân các dịp này.

Đối ngoại 2022 và chuẩn bị tâm thế cho năm 2023 - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: TTXVN)

Trọng tâm của hoạt động đối ngoại trong năm 2022 là chuyến thăm chính thức của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ngay sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các chuyên gia nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế trong nước cũng như truyền thông nước ngoài đều đồng thuận cho rằng thời điểm của chuyến thăm cho thấy Trung Quốc đặc biệt coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai đảng.

Bên cạnh đó là các chuyến thăm như Thủ tướng thăm Mỹ, Campuchia, châu Âu, dự hội nghị cấp cao Asean và Asean với Mỹ, EU, các đối tác; Chủ tịch nước thăm một số nước trong khu vực châu Á, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, dự APEC… . Nhiều đoàn cấp cao của các nước và đối tác từ các khu vực khác nhau cũng đã đến Việt Nam, như Australia, Malaysia, New Zealand, Ấn độ, Đức, Nigeria, Uganda… cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Các cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị cấp cao đa phương khu vực và thế giới diễn ra thường xuyên hơn.

Trong năm 2022, ngoại giao văn hóa kết hợp chặt chẽ với ngoại giao kinh tế, thông tin đối ngoại cùng với nhiều di sản của nước ta được UNESCO công nhận tiếp tục tạo hiệu ứng quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và thành tựu phát triển của Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó là các hoạt động ngày Việt Nam tại nước ngoài, đáng chú ý là Lễ hội Du lịch- Văn hóa Việt Nam năm 2022 tại Hàn Quốc. Đây là Lễ hội có quy mô lớn với nhiều hoạt động nổi bật nhằm quảng bá du lịch và văn hóa Việt Nam đến với người dân Hàn Quốc và là lần thứ 10 Lễ hội Văn hóa- Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc được tổ chức.

Đối ngoại 2022 và chuẩn bị tâm thế cho năm 2023 - Ảnh 2.

Giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc (Hình minh họa)

Về công tác người Việt ở nước ngoài, năm 2022, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, tích cực chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài ổn định và phát triển cuộc sống. Công tác bảo hộ công dân đạt kết quả quan trọng, đã kịp thời sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân, đồng bào ta tại Ukraine, đưa về nước khoảng 1.200 công dân tại Campuchia, bảo hộ hàng trăm ngư dân, tàu cá, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân ta ở nước ngoài.

Về đối ngoại nhân dân, chuỗi các hoạt động chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia; 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, Áo; 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Tây Ban Nha; 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Uzberkistan; 10 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga; 5 năm quan hệ đối tác toàn diện với Canada...đã diễn ra sôi nổi và mang nhiều ý nghĩa.

Đối ngoại 2022 và chuẩn bị tâm thế cho năm 2023 - Ảnh 3.

Chương trình văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia. Ảnh: TTXVN

Có thể khẳng định, năm 2022, thành công của các hoạt động đối ngoại đã khẳng định Việt Nam tự tin tiếp tục đẩy mạnh công cuộc hội nhập và phát triển đất nước, góp phần củng cố niềm tin của bạn bè, đối tác quốc tế, nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài.

Sẵn sàng mục tiêu đối ngoại 2023

Bước sang năm 2023, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng khả quan hàng đầu châu Á, thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới. Xu thế các nước "xoay trục" về khu vực, trong đó Việt Nam tiếp tục có vị trí quan trọng trong các chiến lược của các nước lớn, nhỏ. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam nói riêng và cho cả khối ASEAN nói chung. Năm 2023 cũng là dịp kỷ niệm quan hệ của Việt Nam với rất nhiều đối tác lớn, đánh dấu vị thế của Việt Nam tiếp tục phát huy trên trường quốc tế. Từ đó, xem đây là cơ hội để phát triển ngoại giao văn hóa có chiều sâu, nâng tầm vị thế đất nước lên tầm cao mới.

Đối ngoại 2022 và chuẩn bị tâm thế cho năm 2023 - Ảnh 4.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Trước hết, năm 2023, Việt Nam tiếp tục giữ vững mục tiêu 3 trụ cột đối ngoại là: Đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Phát huy sức mạnh đồng bộ của tất cả các tổ chức làm công tác đối ngoại từ Trung ương đến địa phương, qua đó giúp các hoạt động ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, có chiều sâu. Ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta coi năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong năm 2022, Việt Nam đã phát huy vai trò tham gia chủ động, tích cực trong các cơ chế đa phương liên quan đến quyền con người, đặc biệt với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và thúc đẩy những sáng kiến vì quyền con người trong khuôn khổ Hội đồng cũng như các thể chế đa phương khác. Kết quả là Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025. Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội. Với vị thế hiện nay, trong năm 2023, Việt Nam có cơ sở để tin tưởng rằng, công tác đối ngoại về quyền con người sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung nhằm cải thiện quyền con người không riêng ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Những nỗ lực đó sẽ góp phần khẳng định hình ảnh Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người bởi "Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc"

Về công tác hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), trong năm 2023, Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường các biện pháp tổng thể, lâu dài, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn, trong đó ưu tiên giải quyết những vấn đề liên quan tới người gốc Việt tại Campuchia; tìm giải pháp cho vấn đề nguồn kinh phí dành cho công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN, tiếp tục theo dõi, phối hợp với các cơ quan liên quan đấu tranh, phân hóa số cực đoan; mở rộng tiếp xúc, vận động các cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng NVNONN nhằm tăng cường đại đoàn kết đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ về pháp lý, giải quyết các đơn thư, khiếu nại của kiều bào gặp khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật.

Trong năm 2023, ngành ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhân dân, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; tiếp tục triển khai đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại, tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Hồng Nhung