• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di sản địa chất khu vực Đồng Văn - Mèo Vạc và tiềm năng phát triển kinh tế du lịch

08/12/2016 07:10

(Cinet)- Không chỉ là một phần của Công viên Địa chất Toàn cầu, Mèo Vạc (Hà Giang) còn ấn tượng bởi hình ảnh các thiếu nữ Lô Lô trong trang phục truyền thống duyên dáng, xinh tươi qua các làn điệu hát dân ca... Với những tiềm năng đó, trong tương lai không xa, nơi đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn lý tưởng nhất.

(Cinet)- Không chỉ là một phần của Công viên Địa chất Toàn cầu, Mèo Vạc (Hà Giang) còn ấn tượng bởi hình ảnh các thiếu nữ Lô Lô trong trang phục truyền thống duyên dáng, xinh tươi qua các làn điệu hát dân ca... Với những tiềm năng đó, trong tương lai không xa, nơi đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn lý tưởng nhất.



Di sản địa chất khu vực Đồng Văn - Mèo Vạc



Cao nguyên đá Đồng Văn có gần 140 điểm di sản, chia thành nhiều nhóm cảnh quan địa mạo, hóa thạch, cổ sinh-địa tầng, hang động đá vôi. Với tổng diện tích khoảng 2.350km², Cao nguyên đá Đồng Văn hội tụ các cảnh quan kỳ thú, độc đáo và đa dạng, có giá trị nhiều mặt không chỉ tài nguyên sinh thái mà cả du lịch. Điểm di sản địa chất này đã được xếp vào loại hình di sản cấp quốc tế.
 
Con đường đèo uốn lượn qua vách núi dựng đứng, dưới chân là hẻm vực sông Nho Quế sâu hun hút. Ảnh: hagiangonline.net


Nằm trên Cao nguyện đá Đồng Văn, Mèo Vạc là một trong những vùng có nhiều cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, có tiềm năng về trữ lượng các mỏ quý; có nền văn hóa đậm đà bản sắc 17 dân tộc trong huyện… Đặc biệt do trải qua kiến tạo của vỏ trái đất, Mèo Vạc có một số điểm Di sản trầm tích hóa thạch niên đại từ 400 triệu năm đến trên 500 triệu… đã và đang được khai thác từ khi trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu, để phát triển du lịch, đã thu hút hàng vạn khách trong nước và quốc tế tới thăm. Mèo Vạc rất cần có sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và thế giới tiếp tục nghiên cứu, phát hiện thêm những di sản mới có ý nghĩa lịch sử, văn hóa để đưa vào bảo tồn và khai thác trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước…

Thung lũng sông Nho Quế dưới chân đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: hagiangonline.net



Mới đây, tại huyện Mèo Vạc, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) đã phối hợp với UBND huyện Mèo Vạc, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Hà Giang, Ban Quản lý Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Kết quả mới về Di sản địa chất khu vực Đồng Văn - Mèo Vạc và tiềm năng phát triển kinh tế du lịch”.



Tại hội thảo, báo cáo của các nhà khoa học đã chứng minh sự kiến tạo của hẻm vực Mã Pì Lèng cho thấy về cấu trúc địa chất và cổ sinh do có sự vận động mạnh của vỏ trái đất thời kỳ Cambri cách đây trên 500 triệu năm đã tác động mạnh gây đứt gãy tạo nên hẻm vực hai bên bờ sông Nho Quế. Chính sự đứt gãy trên đã tạo cho Mã Pì Lèng một hẻm vực cảnh quan tuyệt đẹp về thiên nhiên và giá trị về văn hóa có tầm cỡ thế giới.



Các nhà khoa học cũng chứng minh phát hiện được giá trị di sản cổ sinh trên cao nguyên đá Đồng Văn có tới 300 loài với 12 ngành động vật biển hóa thạch ở khu vực Thủy điện sông Nho Quế 1; tay cuộn khổng lồ ở khu vực biển cạn xã Lũng Pù; san hô vách đáy ở khu vực biển cạn Lũng Pù, mà trước đây  người Pháp cũng đã phát hiện chỉ mô tả được 20 loài…

Vẻ đẹp hùng vĩ của vùng cao nguyên đá. Ảnh: hagiangonline.net



Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã phát hiện các dạng rừng đá phân lớp ở khu vực xã Khâu Vai; rừng đá trên đá dăm có màu sắc ở khu vực Mã Pì Lèng; rừng đá trên đá thông thường (đá phân lớp dày hoặc dạng khối); núi dạng chóp, dạng kim tự tháp ở khu Thành ma Tủng (Sà Phìn - Đồng Văn)… Những di sản mới phát hiện trên, các nhà khoa học đã so sánh với các di sản hóa thạch của các nước trên thế giới như: Hẻm vực Vicot (Hy Lạp), hẻm vực Hồ Khiêu Dủng của Trung Quốc, hẻm vực Haiimbe Zin nho (Braxin)…

Vết tích đại dương trên cao nguyên đá. Ảnh: hagiangonline.net



Về định hướng khai thác di sản khu vực Mã Pì Lèng - hẻm vực sông Nho Quế, các nhà khoa học cho đây là hẻm vực sâu hơn 100 m, địa hình nghịch đảo, nhiều vách bậc dựng đứng, có nhiều điểm dừng chân cho khách du lịch qua sát tham quan. Hẻm vực Mã Pì lèng: hai bên hẻm vực là vách đá vôi gần dựng đúng, cao 400m; đây là hẻm đá vôi vào loại sâu nhất thế giới (sâu hơn hẻm vực nổi tiếng Verddon (Pháp - 300m); Vikot (Hy Lạp - 400m); Hồ Nhầy (Trung Quốc - 200m).



Hiện tại Thủy điện Sông Nho Quế 1 sắp hoàn thành sẽ tạo nên hồ nước dưới đáy vực hẻm vực, tạo nên cảnh quan tráng lệ cho khách tham quan. Khu vực rừng đá: là di sản độc đáo ở Mã Pì Lèng mới được phát hiện. Mã Pì Lèng có 2 loại rừng đá: Rừng đá dạng thành lũy và rừng đá dạng tháp. Cả 2 loại rừng đá này đều hiếm gặp trên thế giới, chúng cao 5-6m tới 10-20m. Các tường đá, tháp đá cấu tạo từ loại đá dăm kết đặc biệt, khác hẳn và đẹp hơn loại đá vôi thông thường đã tạo nên khu du lịch Thạch Lâm nổi tiếng của Trung Quốc.



Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch



Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, cao nguyên đá Đồng Văn được định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia, đáp ứng mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị địa chất toàn cầu cho phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh Hà Giang.



Theo đó, khu vực quy hoạch có diện tích là 235.680ha, trong đó tập trung vào 4 huyện vùng cao là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn có chức năng phục vụ tham quan, nghiên cứu, bảo tồn giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc địa phương. Đồng thời, khu vực này còn là điểm kết nối du lịch giữa các vùng trong tỉnh, khu vực trung du miền núi Bắc Bộ và mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu.

Những ngôi nhà nhỏ, đơn sơ cũng trở nên nổi bật hơn với cây đào nở đầy hoa cạnh hiên nhà và hàng rào đá. Đây là hình ảnh đặc trưng nơi cao nguyên đá Đồng Văn.

Ảnh: du lich - hagiang.com.



Các nhà khoa học Viện Địa chất Việt Nam đã đưa ra định hướng gắn khai thác các di sản địa chất cổ sinh với du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn trong những năm tiếp theo, gồm 2 khu du lịch có tính chất khách chỉ ghé thăm như: Khu du lịch “biển cạn” Lũng Pù; “vườn hoa đá dạng chóp, dạng kim tự tháp đá”- Thành Ma Tủng – Sà Phìn và 3 khu du lịc), có tính chất khách lưu trú gồm: Khu hẻm vực Mã Pì Lèng; khu du lịch Lũng Cú, với cụm các di sản văn hóa, lịch sử, tâm linh, đá phong hóa đầu rùa… hồ mắt rồng, làng văn hóa; khu du lịch “Mê cung đá” rộng khoảng 0,5km2 – Khâu Vai liên kết với Chợ tình Khau Vai…

Các dân tộc sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn có nét văn hóa độc đáo. Ảnh: baohagiang.vn



Tại Hội thảo đã có 9 ý kiến tham luận bổ sung của các đại biểu các cơ quan, ngành chuyên môn của tỉnh Hà Giang; các đơn vị ngành trung ương; các nhà hoạt động du lịch… đề nghị với các nhà khoa học tiếp tục có những phát hiện, làm rõ hơn các giá trị di sản trên Cao nguyên đá Đồng Văn, gắn với phát triển du lịch trong nước và quốc tế, nâng lên tầm thế giới.



Đồng thời, Hội thảo cũng đề nghị với các cấp, các ngành tỉnh Hà Giang tiếp tục tuyên truyền về giá trị của Công viên Địa chất Toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn nhằm nâng cao hơn nữa trong nhận thức của cán bộ, nhân dân, nhất là nhân dân trong vùng Công viên Địa chất trong bảo tồn các giá trị di sản gắn với phát triển văn hóa, du lịch bền vững để Cao nguyên đá Đồng Văn xứng dáng là “viên ngọc của Việt Nam và thế giới”.



Những nỗ lực trên sẽ mở ra cơ hội mới để ngành du lịch Hà Giang phát triển xứng tầm với tiềm năng, trở thành đầu mối thúc đẩy phát triển du lịch miền núi Bắc Bộ.



Lan Anh (tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ