• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dấu ấn Thành cổ!

05/07/2015 14:38

(Cinet)- Trải qua những năm tháng hào hùng của dân tộc, Thành cổ Quảng Trị là minh chứng rõ nét nhất cho sự đấu tranh kiên cường và lịch sử vẻ vang của quân dân Việt Nam, là không gian thiêng liêng tái hiện miền ký ức hào hùng và bi tráng của một thời hoa lửa.

Thành cổ ngày nay

(Cinet)- Trải qua những năm tháng hào hùng của dân tộc, Thành cổ Quảng Trị là minh chứng rõ nét nhất cho sự đấu tranh kiên cường và lịch sử vẻ vang của quân dân Việt Nam, là không gian thiêng liêng tái hiện miền ký ức hào hùng và bi tráng của một thời hoa lửa.

Thành cổ Quảng Trị còn được gọi dưới tên Cổ thành Quảng Trị, nằm tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị. Theo tài liệu lịch sử, thành cổ được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ IXX dưới đời vua Gia Long, trên một khu đất cao với sông Thạch Hãn ở phía Tây, sông Vĩnh Định ở phía Bắc và vùng dân cư đồng bằng Triệu Hải ở Đông và Nam. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành trổ bốn cửa chính Đông Tây Nam Bắc. Hiện nay, dù không còn những dấu ấn xưa, nhưng Thành cổ vẫn là vùng đất thiêng liêng của người dân Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung.

Dưới thời Nhà Nguyễn, Thành cổ Quảng Trị là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của tỉnh Quảng Trị, là thành lũy quân sự bảo vệ kinh đô Huế. Sau trận chiến năm 1972, Thành cổ gần như bị phá hủy; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn.

Nhắc đến di tích đặc biệt này, không thể không nhắc tới đến cuộc tấn công chiến lược của Mỹ năm 1972 và trận chiến 81 ngày đêm lịch sử cùng sự chiến đấu anh dũng của chiến sĩ. Mỗi mét vuông đất tại Thành Cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 - 16/9/1972, Thành Cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Cuộc chiến đấu giành giật giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt, suốt cả ngày lẫn đêm. Thành Cổ Quảng Trị là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân và dân ta. Trong trận đánh ấy, 14.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hy sinh với vô vàn câu chuyện về lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của rất nhiều chiến sĩ tuổi đôi mươi.

Thành cổ Quảng Trị gắn liền với những cuộc chiến tranh ác liệt (nguồn: internet)



Khép lại trang lịch sử hào hùng của dân tộc, Thành cổ ngày nay vẫn sừng sững, uy nghi đúng như tinh thần đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ năm xưa ấy. Đến nơi đây, cả không gian hiện lên với vẻ trầm mặc, vừa bi tráng vừa bao phủ nét u buồn. Mặc dù bị bom đạn phá hủy, song Thành cổ Quảng Trị vẫn là một trong những số rất ít thành cổ Việt Nam còn giữ được cấu trúc thành lũy rõ ràng với hệ thống tường thành, cổng thành, hào nước. Trong Thành cổ bây giờ được phủ một màu xanh mướt của cỏ cùng hàng ngàn cây dừa cao vút. Khuôn viên Thành cổ có tháp chuông lớn được đặt tại quảng trường nối liền Thành cổ và bờ sông Thạch Hãn. Nơi đây thường xuyên vang lên những hồi chuông ngân dài với ý nghĩa cầu mong linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh được siêu thoát.

Khép lại trang lịch sử hào hùng của dân tộc, Thành cổ ngày nay vẫn sừng sững, uy nghi đúng như tinh thần đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ năm xưa (nguồn: internet)



Đặc biệt, du khách khi tới thành cổ không thể không chiêm ngưỡng tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh năm xưa. Đài tưởng niệm trung tâm được xây theo thuyết âm dương siêu thoát. Dưới chân Đài tưởng niệm được xây theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái, có bốn lối đi lên Đài tưởng niệm tượng trưng cho tứ tượng.Hầm của Đài tưởng niệm được coi là nơi linh thiêng nhất của Thành cổ, vì nơi đây được ví như bên trong lòng một ngôi mộ tập thể và trung tâm của hai trục đường chính giao nhau. Tại trung tâm trưng bày hành trang của một người lính với đôi dép cao su, ba lô, khẩu súng AK, bi đông nước, mũ tai bèo, xẻng, phao. Hành trang của người lính đơn sơ giản dị, chỉ từng ấy thôi mà các bác, các chú, các anh đã làm nên lịch sử.

Đến thăm Thành cổ, du khách sẽ được nghe kể lại những câu chuyện huyền thoại về Di tích Thành cổ. Nhất là trong những dịp lễ hay ngày kỷ niệm, trong lòng du khách sẽ lưu lại dấu ấn rất sâu đậm. Du khách sẽ cảm thấy như đang có một sợi dây vô hình kết nối hiện tại với quá khứ, hiểu thêm những nét đẹp trong tình cảm và đời sống tâm linh của người dân sống quanh Thành cổ.

“Mùa hè đỏ lửa” đi qua

Tên “Thành Cổ” hát bài ca “Thành Đồng”

Nghẹn ngào vực nước dòng sông

Nghe như máu chảy ròng ròng kẽ tay!

Nhẹ chân Thành Cổ hôm nay

Đừng làm song dậy tháng ngày đau thương(*)
Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng những ký ức về cuộc chiến tranh ác liệt năm xưa vẫn như vừa hôm qua. Không chỉ với những người lớn tuổi, lớp trẻ hôm nay cũng sẽ mãi mãi không quên bản hùng ca bi tráng của bao lớp chiến sĩ đã viết nên nơi Thành Cổ.

(*) 
Về thành cổ Quảng Trị - Nguyễn Thu Mát

DH
(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

NỔI BẬT TRANG CHỦ