• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Kinh tế 23/11/2023 20:38

(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 23/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật.

Chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Việc rà soát, hoàn thiện được tiến hành một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, bám sát các đường lối, chủ trương nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội cũng như Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025: "Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống; tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững.".

Đồng thời, tạo chuyển biến trong quản trị của tổ chức tín dụng, gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng trước những cú sốc từ bên ngoài. Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định. Theo đó, chất lượng của dự thảo Luật được nâng lên đáng kể.

Chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 23/11

Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Thanh, đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế-xã hội. Vì vậy cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh: "Việc xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo luật."

Tại phiên thảo luận đã có 16 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Các ý kiến tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh; áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng, các luật có liên quan và tập quán thương mại quốc tế; bảo mật thông tin; cơ chế tiếp cận thông tin; yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; vấn đề sở hữu chéo; bảo vệ quyền lợi của khách hàng; các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại; cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách; quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị; quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng; những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quản lý trong các tổ chức tín dụng; áp dụng can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm.

Chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu về một số nội dung của dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Các ý kiến cũng tập trung vào vấn đề tổ chức tín dụng hỗ trợ; áp dụng kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng; tổ chức lại tổ chức tín dụng; lưu trữ hồ sơ tín dụng; giao dịch điện tử trong hoạt động của tổ chức tín dụng; giới hạn cấp tín dụng; tổ chức thực hiện phương án phá sản; tài sản bảo đảm trong các trường hợp được vay đặc biệt; xử lý tài sản bảo đảm trong vụ việc vi phạm hành chính; biện pháp hỗ trợ đối với bên được chuyển giao bắt buộc; sự việc bất khả kháng;...

Chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp này là cần thiết

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thay mặt Ban soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ, quan tâm, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là luật khó, phức tạp, chuyên sâu, có tầm ảnh hưởng lớn, vì vậy, ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội là rất đáng trân trọng, sẽ được tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp, hoạt động tuân thủ theo các pháp luật về doanh nghiệp, tuy nhiên tổ chức tín dụng cũng là trung gian tài chính, huy động tiền của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác để cho vay, nên các tổ chức tín dụng cũng phải hoạt động tuân thủ theo các quy định để đảm bảo kiểm soát rủi ro, tuân thủ các giới hạn an toàn. Luật Các tổ chức tín dụng này sẽ có những quy định đảm bảo giới hạn an toàn để kiểm soát rủi ro.

Với tính chất khó và phức tạp nêu trên, trong quá trình dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ban soạn thảo đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm từ sớm, từ xa của các lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội. Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, cuộc họp đã được tổ chức, qua đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội. 

Ngay sau phiên thảo luận của Quốc hội về dự án luật này tại Kỳ họp thứ 5, cơ quan soạn thảo đã tích cực phối hợp với Ủy ban Kinh tế, các bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Chính phủ.

Chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - Ảnh 4.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Trong dự thảo luật này, có nhiều quy định được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, đặc biệt là những nội dung nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, để hạn chế lạm dụng quyền của cổ đông lớn; bổ sung yêu cầu trách nhiệm, các giải pháp từ chính các cổ đông của các tổ chức tín dụng khi các tổ chức này gặp vấn đề; trách nhiệm của những người tham gia hội đồng quản trị và ban điều hành của tổ chức tín dụng; minh bạch hóa thông tin trong hoạt động điều hành, công khai thông tin về tỷ lệ của các cổ đông nắm giữ từ 1% trở lên…

Qua nghe báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một số vấn đề trong dự thảo luật vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Đây là những vấn đề lớn, cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Bởi vậy, việc Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp này là cần thiết để các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua ở Kỳ họp sau.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với ý kiến đóng góp của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế để nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu, giải trình đầy đủ, báo cáo Chính phủ để Chính phủ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp sau.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ