Ca phẫu thuật nối lại đầu "thần kỳ" được BS. Israel thực hiện, ít người biết BS. Việt Nam từng thành công ca tương tự từ 5 năm trước

Thanh Long | 15-07-2023 - 14:15 PM

(Tổ Quốc) - Theo kinh nghiệm từ y văn, nhiều bác sĩ sẽ bỏ sót chẩn đoán "đứt lìa đầu bên trong" vì tình trạng này rất hiếm gặp và ít có biểu hiện lâm sàng.

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Hadassah, Israel vừa thực hiện một ca phẫu thuật được tờ New York Post của Mỹ, The Daily Mail của Anh và Business Today của Ấn Độ gọi là "điều thần kỳ". Trong đó, họ đã thành công nối hộp sọ của một cậu bé 12 tuổi vào với xương sống cổ của cậu bé.

Tình trạng này được gọi bằng thuật ngữ y tế "Atlanto-occipital dislocation" (trật khớp đội-chẩm), xảy ra khi dây chằng nối đốt sống cổ trên cùng C1 (atlanto) và xương chẩm ở đáy hộp sọ (occiput) bị đứt lìa - thường là hậu quả của một tai nạn giao thông, ngã từ độ cao lớn hoặc tác động lực mạnh vào vùng đầu.

Nhìn từ bên ngoài, cổ của nạn nhân có thể vẫn nguyên vẹn. Nhưng ở bên trong, phim chụp X-quang cho thấy hộp sọ của họ bị rời khỏi cột sống. Hậu quả là đầu của nạn nhân sẽ bị trôi về phía trước, phía sau hoặc thậm chí tách hẳn ra so với cột sống cổ.

Cũng chính vì đặc điểm này, trật khớp đội-chẩm còn được gọi là "internal decapitation", nghĩa là "đứt lìa đầu bên trong". Tình trạng đặc biệt hiếm gặp, chỉ chiếm dưới 1% tống số ca chấn thương cột sống, nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao, lên tới hơn 85%.

Nghiên cứu thống kê cho thấy chẩn đoán, sơ cứu đúng cách và phẫu thuật kịp thời là điều kiện giúp bệnh nhân gia tăng tỷ lệ sống sót và hồi phục.

Ca phẫu thuật nối lại đầu "thần kỳ" của bác sĩ Israel, ít người biết bác sĩ Việt Nam đã làm được điều đó từ 5 năm trước - Ảnh 1.

Bác sĩ Ohad Einav (bên trái) cùng cậu bé Suleiman Hassan tại Trung tâm Y tế Hadassah sau khi bé hồi phục - Ảnh: Trung tâm Y tế Hadassah.

Theo tờ The Times of Israel, nhân vật may mắn trong câu chuyện này là Suleiman Hassan, một cậu bé 12 tuổi người Palestine.

Vào khoảng đầu tháng 6, Hassan đang đạp xe gần nhà thì bị một chiếc ô tô đâm phải. Nhận được tin báo, một đội cấp cứu đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, ở khu vực Bờ Tây cách thủ đô Jerusalem của Israel khoảng 50 km về phía Bắc.

Họ quyết định gọi trực thăng để đưa cậu bé Hassan tới thẳng Khoa Chấn thương ở Trung tâm y tế Hadassah, Jerusalem.

Tiếp nhận ca bệnh này là bác sĩ Ohad Einav, một chuyên gia phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Anh đã xem phim X-quang của cậu bé và kết luận ngay cậu bị trật khớp đội-chẩm.

Trật khớp đội-chẩm vốn là một tình trạng rất dễ bị bỏ sót khi chẩn đoán, vì nó không kèm theo gãy xương, đôi khi không gây ra triệu chứng rõ rệt và yêu cầu bác sĩ phải có hiểu biết cực kỳ tốt về giải phẫu khớp sọ cổ để phát hiện được nó.

Rất may mắn cho Hassan, bác sĩ Einav đã từng có thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Toronto, Canada, nơi anh từng chẩn đoán và trực tiếp phẫu thuật cho một bệnh nhân tương tự gặp phải tình trạng này, nhưng là người lớn.

"Chấn thương này cực kỳ hiếm gặp, nhưng chúng tôi biết trẻ em từ 4-10 tuổi có tỷ lệ đầu/cơ thể lớn hơn so với người lớn, nên chúng dễ gặp phải chấn thương dạng này hơn", bác sĩ Einav nói.

Ca phẫu thuật nối lại đầu "thần kỳ" của bác sĩ Israel, ít người biết bác sĩ Việt Nam đã làm được điều đó từ 5 năm trước - Ảnh 2.

Trật khớp đội-chẩm khiến hộp sọ của bệnh nhân không còn bị ràng buộc vào với cột sống nữa. Hậu quả là đầu của nạn nhân sẽ bị trôi về phía trước, phía sau hoặc thậm chí tách hẳn ra so với cột sống cổ. Ảnh: University of Washington.

Theo kinh nghiệm từ y văn, trật khớp đội-chẩm ở trẻ em cần phải được phẫu thuật sớm để cố định vùng hộp sọ lại với đốt sống cổ. Do đó, bác sĩ Einav và ekip của mình đã sử dụng đinh vít, thanh nối và tấm đỡ để gắn lại phần đầu cho cậu bé.

"Chúng tôi đã chiến đấu để giành lấy mạng sống cho cậu bé. Ca phẫu thuật đã được thực hiện vào đầu tháng 6", bác sĩ Einav cho biết. "Bản thân thủ thuật này rất phức tạp và mất tới hàng tiếng đồng hồ".

Thống kê cho thấy cứ 10 bệnh nhân gặp phải tình trạng đứt lìa đầu bên trong thì có 7 người sẽ tử vong ngay tại hiện tường. Thêm 15% bệnh nhân có thể sống sót khi tới được phòng cấp cứu nhưng sẽ tử vong trong quá trình phẫu thuật hoặc hậu phẫu.

Vì vậy, các bác sĩ Israel đã phải theo dõi quá trình hồi phục của cậu bé Hassan trong hơn một tháng để khẳng định ca phẫu thuật của họ đã thành công.

"Một bệnh nhi gặp phải tình trạng như vậy mà không bị suy giảm thần kinh, không gặp rối loạn chức năng cảm giác hay vận động, mà lại có thể hoạt động bình thường và đi lại mà không cần sự trợ giúp sau một quá trình dài như vậy, nhất định không phải là chuyện nhỏ", bác sĩ Einav cho biết.

Sau quá trình theo dõi, Hassan đã được cho xuất viện về nhà. "Tôi sẽ mang ơn các bác sĩ suốt đời vì các bác sĩ đã cứu sống đứa con trai thân yêu duy nhất của tôi. Nhờ có các bác sĩ, con tôi mới giành lại được mạng sống của mình, ngay cả khi đó là một tình trạng nguy hiểm với tỷ lệ cược thấp", cha của cậu bé cho biết.

"Sự chuyên nghiệp, kỹ thuật và khả năng ra quyết định nhanh chóng của đội ngũ y tế là thứ đã cứu sống con trai tôi. Tất cả những gì tôi có thể nói là một lời cảm ơn sâu sắc".

Ca phẫu thuật nối lại đầu "thần kỳ" của bác sĩ Israel, ít người biết bác sĩ Việt Nam đã làm được điều đó từ 5 năm trước - Ảnh 3.

Ca phẫu thuật nối lại đầu "thần kỳ" của bác sĩ Israel, ít người biết bác sĩ Việt Nam đã làm được điều đó từ 5 năm trước - Ảnh 4.

Giải phẫu đốt sống C1 và tình trạng trật khớp đội-chẩm. Ảnh: TS.BS Hoàng Gia Du.

Trên thực tế, trường hợp của cậu bé Hassan đã hội tụ rất nhiều may mắn. Thứ nhất, chấn thương của cậu bé không gây đứt động mạch đốt sống - một tình trạng gây mất máu và tử vong chỉ sau vài giờ - hoặc ngạt khí do tổn thương tủy cổ - dẫn tới liệt dây thần kinh hoành và bệnh nhân không thể thở.

Thứ hai, Hassan đã được sơ cứu chuyên nghiệp và cấp cứu kịp thời bằng trực thăng tới bệnh viện Hadassah. May mắn tiếp theo là cậu bé đã được chẩn đoán bởi bác sĩ Einav, một trong số các chuyên gia ít ỏi tại Israel chuyên phẫu thuật chấn thương cột sống.

Như các y văn đã cảnh báo, nhiều bác sĩ sẽ bỏ qua chẩn đoán trật khớp đội-chẩm vì tình trạng này rất hiếm gặp và ít có biểu hiện lâm sàng. Ngay cả khi cầm phim chụp X-quang của bệnh nhân, bác sĩ cũng phải dùng tới 2 phương pháp trở lên để chẩn đoán nó.

Thật may mắn là bác sĩ Einav từng gặp và trực tiếp phẫu thuật một ca bệnh trật khớp đội-chẩm trong thời gian anh thực tập tại Canada. Trên thế giới, số bệnh nhân mắc phải tình trạng này thực sự hiếm.

Ca phẫu thuật nối lại đầu "thần kỳ" của bác sĩ Israel, ít người biết bác sĩ Việt Nam đã làm được điều đó từ 5 năm trước - Ảnh 5.

Ca phẫu thuật nối lại đầu "thần kỳ" của bác sĩ Israel, ít người biết bác sĩ Việt Nam đã làm được điều đó từ 5 năm trước - Ảnh 6.

Ths.BS. Ngô Quang Hùng và bệnh nhân bị trật khớp đội-chẩm sau khi được phẫu thuật "nối đầu" - Ảnh: Sức khỏe và Đời sống.

Năm 2019, có một trường hợp người đàn ông 48 tuổi ở Hàn Quốc bị trật khớp đội-chẩm nhưng không may đã tử vong trong quá trình phẫu thuật. Năm 2018, các bác sĩ Hàn Quốc cũng báo cáo hai bệnh nhân trật khớp đội-chẩm, được cấp cứu đến bệnh viện nhưng cũng tử vong.

Năm 2017, có một bệnh nhân người Việt Nam đã may mắn hơn khi sống sót sau tai nạn tương tự. Đó là một nam thanh niên 26 tuổi gặp tai nạn với ô tô khi đang điều khiển xe máy.

Bệnh nhân sau đó được chẩn đoán trật khớp đội-chẩm và phẫu thuật cố định hộp sọ với cột sống cổ tại bệnh viện Xanh Pôn. Người trực tiếp điều trị cho nam thanh niên này là ThS.BS. Ngô Quang Hùng, Phó Giám đốc bệnh viện, đồng thời là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh có 11 năm kinh nghiệm, cho biết:

"Đây là một tổn thương rất nặng và hiếm gặp, bệnh nhân thường tử vong ngay sau khi tai nạn. Trật khớp đội-chẩm cũng là tổn thương rất dễ bị bỏ sót khi chẩn đoán, vì vậy rất cần chuyên môn sâu của bác sĩ thần kinh cột sống và sự hỗ trợ của máy móc hiện đại như máy cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ.

Người dân chẳng may bị chấn thương cột sống, nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh cột sống để được khám, tư vấn và xử trí kịp thời".

Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM