• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn trong dịp Xuân Mậu Tuất 2018

12/02/2018 16:56

(Cinet) - Đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong những ngày đầu xuân mới Mậu Tuất 2018, du khách sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị về Tết cổ truyền của dân tộc, đồng thời khám phá những nét văn hóa độc đáo của miền Đông Nam Bộ thông qua rất nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa.

(Cinet) - Đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong những ngày đầu xuân mới Mậu Tuất 2018, du khách sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị về Tết cổ truyền của dân tộc, đồng thời khám phá những nét văn hóa độc đáo của miền Đông Nam Bộ thông qua rất nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa.

Những năm gần đây, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trở thành một trong những điểm đến

văn hóa du lịch hấp dẫn giữa lòng thủ đô.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia ở nước ta. Bảo tàng được chính thức khởI công xây dựng vào năm 1987 và khánh thành vào ngày 12/11/1997 trên tổng diện tích 4,5 ha. Công trình do kiến trúc sư Hà Đức Lịnh thiết kế và nữ kiến trúc sư Veronique Dollfus (người Pháp) thiết kế nội thất.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là nơi giới thiệu, tôn vinh một cách trang trọng và chi tiết nhất những bản sắc, phong tục, văn hóa của 54 dân tộc anh em trên khắp dải đất hình chữ S. Từ cách trình bày, bố trí đến nội dung thể hiện đều rất khoa học và logic, khiến người xem dễ dàng nắm bắt và “thẩm thấu” trước nhiều sắc màu văn hóa của các dân tộc.

Bảo tàng có ba khu trưng bày, gồm: Toà nhà "Trống đồng" trưng bày thường xuyên về 54 dân tộc ở Việt Nam; Vườn Kiến trúc trưng bày những công trình kiến trúc dân gian đặc sắc của các dân tộc ở Việt Nam; Toà nhà "Cánh diều" trưng bày văn hoá các dân tộc Đông Nam Á và thế giới. Bên cạnh trưng bày thường xuyên, Bảo tàng còn tổ chức các trưng bày nhất thời theo chuyên đề giới thiệu văn hóa các dân tộc trong và ngoài nước, tổ chức chương trình hoạt động văn hoá dân gian phong phú vào mỗi dịp tết Nguyên đán và tết Trung thu.

Trình diễn viết thư pháp.

Và như thế, cứ mỗi khi Tết đết Xuân về, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lại trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc đối với đông đảo công chúng khắp nơi muốn trải nghiệm, khám phá những nét đẹp của văn hoá dân tộc. Với nội dung phong phú, đa dạng và có tính giáo dục cao, chương trình vui xuân hằng năm là “bữa tiệc văn hóa” vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách, vừa góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc.

Đến với chương trình "Vui xuân Mậu Tuất 2018" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam,

du khách sẽ có trải nghiệm thú vị với những di sản văn hóa của dân tộc

như: Cồng chiêng Xtiêng, múa sạp Thái.

Chương trình “Vui xuân Mậu Tuất: Sắc thái văn hóa Bình Phước” năm nay diễn ra trong 02 ngày 24, 25/2 (tức mùng 9, 10 tháng Giêng Tết Mậu Tuất) do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức.

Vui xuân Mậu Tuất hứa hẹn sẽ mang tới du khách Thủ đô một chương trình đầy màu sắc của những con người sinh sống trên mảnh đất miền Đông Nam Bộ. Đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong những ngày đầu xuân mới, khách tham quan có trải nghiệm thú vị với những di sản văn hóa của dân tộc như: Cồng chiêng, hát dân ca, dệt thổ cẩm truyền thống của người Xtiêng; múa sa dăm, dàn nhạc ngũ âm của người Khơme. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực địa phương như món lá nhíp xào đọt mây, thịt nướng xiên que, món bánh cống, bánh ống, cơm ống và bún nước lèo của người Xtiêng và Khơme. Những đặc sản vùng miền như hạt điều, hồ tiêu, rượu cần, đũa làm từ lá buông… cũng được giới thiệu trong dịp này. Người yêu thích văn hóa Bình Phước còn có cơ hội giao lưu, trò chuyện với nhà nghiên cứu để tìm hiểu về phong tục, tập quán, lễ hội của một số dân tộc.

Cùng với các hoạt động mang đậm sắc thái văn hóa Bình Phước, cái hồn Tết Việt cũng là một phần không thể thiếu của chương trình. Du khách có dịp tìm hiểu thêm về nét đẹp của ngày Tết cổ truyền thông qua các tiết mục trình diễn múa tứ linh, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, chơi đánh đu, nặn pháo đất… Đặc biệt, các em nhỏ còn được tham gia chơi nhiều trò dân gian của dân tộc như: bịt mắt đập dừa, giấu khăn, ném khăn (Khơme), lăn bưởi (Si La), chạy ró (Việt), kéo co (Thái, Việt), đánh cây (Mnông)… cũng như thỏa trí khám phá 12 con giáp qua việc tô vẽ tranh hay tụ tay nặn những con tò he ngộ nghĩnh.

Trò chơi pháo đất.

Trò chơi Bịt mắt đập dừa và giấu khăn của người Khơme.

PGS. TS Võ Quang Trọng – Giám đốc Bảo tàng chia sẻ: “Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn tìm cơ hội để giới thiệu bản sắc  văn hóa các dân tộc ở Việt Nam. Mỗi năm, chúng tôi tổ chức một chủ đề gắn với mỗi một vùng miền, dân tộc. Đến nay, Bảo tàng đã trở thành địa chỉ văn hóa quen thuộc đối với công chúng vào dịp đầu xuân. Với nội dung phong phú mang tính giáo dục cao, mỗi chương trình Vui xuân không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí, mà còn giúp du khách nâng cao hiểu biết về giá trị văn hóa cũng như góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc”./.

 

Anh Vũ

NỔI BẬT TRANG CHỦ