• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tàng Áo dài

17/04/2015 10:22

(Cinet) - Khi đến với Sài Gòn, có một địa điểm du khách nên dành thời gian tới thăm quan đó là nơi lưu giữ vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam: Bảo tàng Áo dài

Không gian đậm văn hóa Việt trong khuôn viên Bảo tàng Áo Dài.

Ảnh Lan Hương

(Cinet) -  Khi đến với Sài Gòn, có một địa điểm du khách nên dành thời gian tới thăm quan đó là nơi lưu giữ vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam: Bảo tàng Áo dài.

Nằm tại quận 9, thành phố Hồ Chí Minh cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút chạy xe, Bảo tàng Áo Dài thực sự là một điểm đến lý tưởng cho du khách trong cũng như ngoài nước. Nơi đây không chỉ có hàng trăm bộ áo dài cùng hiện vật mà còn là một không gian xanh tuyệt đẹp để du khách trải nghiệm cuộc sống thôn dã.

Được hình thành từ ý tưởng và tâm huyết của Nhà thiết kế Sĩ Hoàng, trong điều kiện chủ trương Nhà nước cho phép thành lập các bảo tàng tư nhân. Bảo tàng áo dài đã mất đến 12 năm từ khi Nhà thiết kế Sĩ Hoàng lên ý tưởng cho đến khi hoàn tất và đi vào hoạt động. Không cần phải nói nhiều về tâm huyết cũng như công sức để có thể tạo dựng nên không gian văn hóa này bởi chỉ cần tới đây, du khách có thể cảm nhận điều đó. Một không gian xanh, rộng tới 20.000 mét vuông với hồ, ao, thủy tạ, vườn, khu vực trưng bày, khu vực trải nghiệm và một nhà hát lớn, mỗi công trình từ nhỏ tới lớn đều được xây dựng rất tinh tế và được chăm sóc kỹ lưỡng. Hầu hết các kiến trúc chính trong khuôn viên bảo tàng như Cổng; Nhà trưng bày; Khu nhà trải nghiệm…đều được dựng từ gỗ quý sưu tầm ở vùng đất Quảng Nam, do các nghệ nhân là mộc Kim Bổng thực hiện.

Ngay từ cổng vào du khách đã cảm nhận được không gian đậm chất Việt Nam với cột gỗ và mái ngói đỏ. Qua cổng là khu vực bán vé với mức giá 100.000 đồng/1 khách, sinh viên 30.000 đồng, người già và trẻ em miễn phí. Sau khi mua vé, du khách sẽ được nhân viên bảo tàng hướng dẫn tận tình sơ đồ thăm quan và trực tiếp cùng song hành suốt thời gian thăm quan để giới thiệu về ý nghĩa các hiện vật tại bảo tàng.

Không gian xanh với hồ, ao, thủy tạ trong Bảo tàng Áo dài



Hẳn ai đã từng đến đây cũng cùng cảm giác ấn tượng bởi không gian xanh trải rộng với quy hoạch kiến trúc vô cùng tinh tế. Những bãi cỏ xanh mướt, êm mượt như nhung trải dài dưới chân du khách. Các hồ, ao nhân tạo với hoa sen hoa, súng rất Việt Nam khiến cho không gian thêm phần sinh động. Đến những lối đi cũng được thiết kế đẹp mắt với những hàng sỏi trải hai bên hoặc những hàng rào hoa giấy. Trên các bãi cỏ có ghế ngồi để du khách nghỉ chân, lại có cả những thủy tạ để du khách có thể thư giãn uống trà. Nếu như không gian bên ngoài trời khiến du khách cảm thấy thích thú, thư giãn thì không gian bên trong Nhà trưng bày lại khiến du khách cảm thấy tĩnh lặng và hiểu rõ hơn về chiếc áo dài – trang phục gắn với vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.

Bắt đầu từ chiếc áo dài Tứ thân, hiện vật được phục chế có từ năm 1645 du khách sẽ lần lượt tìm hiểu về sự phát triển của áo dài qua các thời kỳ. Áo dài Tứ thân được hình thành bởi thời kỳ đó khổ vải rất nhỏ chỉ khoảng 30-40 cm, vì vậy người xưa phải nối hai mảnh vải dài lại với nhau mới đủ một thân áo. Đến khoảng những năm 1880 trở đi, áo dài năm thân bắt đầu xuất hiện. Áo dài năm thân gồm 2 khổ vải được may kín lại với nhau tạo thành thân trước kín đáo, có một thân phụ nằm dưới ở phía phải. Thân sau cũng là 2 khổ vải may lại với nhau. Năm thân bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, thân trong tượng trưng cho người mặc. Đến thế kỷ 19 là thời kỳ của Áo dài triều Nguyễn. Áo dài thời này được thêu tay hoặc may bằng vải dệt hình công, phượng, hoa trái…tùy vào vị trí xã hội sẽ sử dụng nhưng hình thêu tương ứng. Áo dài tân thời Lemur bắt đầu hình thành vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hiện nay trong Bảo tàng Áo dài còn giữ được hiện vật là một chiếc áo dài tân thời may từ năm 1942. Áo dài hở cổ do Đệ nhất Phu nhân Trần Lệ Xuân mặc năm 1958 đã gây chấn động xã hội thời bấy giờ. Lý do là bởi phụ nữ thời ký đó vẫn còn rất e dè và luôn phải mặc trang phục kín đáo. Chiếc áo dài được cách tân với phần cổ thuyền khoét đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ và nhiều người đã phản đối thiết kế này. Tuy nhiên chiếc áo dài cách tân ngày càng được ưu chuộng hơn bởi nó phù hợp với khí hậu nắng nóng trong miền nam, bên cạnh đó nó còn mang lại cảm giác tươi mới, trẻ trung hơn cho người phụ nữ. Áo dài tay Raclan mà chúng ta mặc bây giờ ra đời năm 1958, do ông Đỗ Thành, quê Quảng Ngãi thực hiện. Ý tưởng may tay raclan bắt đầu hình thành khi ông Thành thực hiện hai chương trình thời trang vào năm 1958 tại hí viện Grand Monde. Sự sáng tạo của ông đã góp phần không nhỏ trong việc tôn lên nét đẹp mềm mại, nữ tính của chiếc áo dài.

Ảnh từ trên xuống: Áo dài tứ thân, Áo dài năm thân, Áo dài Trần Lệ Xuân, Áo dài Thổ cẩm.



Không chỉ có sự phát triển của áo dài trong suột bốn thế kỷ, tại Bảo tàng Áo dài còn giới thiệu nhiều loại áo dài đã có một thời kỳ được ưa chuộng và cả những chiếc áo dài của các dân tộc như: Áo dài Hippy; Áo dài vẽ; Áo dài thổ cẩm, Áo dài hội nhập quốc tế…Bên cạnh không gian giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của áo dài còn có không gian trưng bày áo dài của các nhân vật nổi tiếng, không gian trưng bày áo dài theo chủ đề…

Sẽ không quá khi nói rằng, Bảo tàng Áo dài Sĩ Hoàng là một trong những điểm đến cần ghé qua khi tới Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây không phải là một bảo tàng tĩnh với hàng trăm hiện vật khô khan mà là một câu chuyện sống động vẫn chưa kết thúc, là nơi lưu giữ vẻ đẹp của người phụ nữ Việt.

Một góc không gian trưng bày áo dài hội nhập quốc tế với những cải biên, sáng tạo từ trang phục truyền thống các quốc gia
Một góc trưng bày áo dài của những nhân vật nổi tiếng của Việt Nam



Bài & ảnh: Lan Hương

 

 

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ