• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế đánh giá cao tiềm năng ngành thương mại điện tử Việt Nam

Kinh tế 26/07/2023 13:30

(Tổ Quốc) - Theo trang Vietnam-Briefing, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Với dân số hơn 97 triệu người và số lượng người dùng internet ngày càng tăng, Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài.

Chuyên trang phân tích kinh tế này đánh giá, thị trường Việt Nam đang ghi nhận sự gia tăng ổn định các hoạt động mua sắm trực tuyến nhờ vào nhiều yếu tố như tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tăng, cơ sở hạ tầng internet được cải thiện và sở thích của người tiêu dùng thay đổi.

Trong thị trường thương mại điện tử, mua sắm xuyên biên giới đang đóng một vai trò quan trọng với 37% tổng thị trường. Khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng thực hiện nhiều giao dịch xuyên biên giới, họ cũng sẽ có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại sản phẩm nước ngoài. Và xu hướng này mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư, công ty quốc tế muốn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Đánh giá sơ bộ về thị trường thương mại điện tử Việt Nam

Năm 2022, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt cột mốc quan trọng với doanh thu 14 tỷ USD. Các dự đoán cho thấy con số này có thể tăng cao hơn nữa và có khả năng đạt 32 tỷ USD vào năm 2025.

Báo quốc tế đánh giá cao tiềm năng ngành thương mại điện tử Việt Nam - Ảnh 1.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng đáng kể. Ảnh: expertbeacon.

Bộ Công Thương cũng dự báo giá trị mua sắm trực tuyến trên mỗi người dùng sẽ tiếp tục tăng đều. Báo cáo ước tính rằng trong năm nay, chi tiêu mua sắm trực tuyến trên mỗi người Việt Nam dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 260 USD -285 USD. Xu hướng tích cực này được thúc đẩy nhờ một số yếu tố như nền dân số trẻ của Việt Nam, tỷ lệ sử dụng internet cao và thu nhập của người tiêu dùng ngày càng tăng.

Nhờ có dân số trẻ nên thị trường thương mại điện tử của Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng liên tục về số lượng người dùng từ năm 2023 đến năm 2027, với mức tăng dự kiến là 15,5 triệu người dùng cá nhân. Số lượng người dùng ước tính dự kiến sẽ đạt mức cao mới vào năm 2027, với 78,44 triệu người dùng cá nhân.

Những "ông lớn" trong ngành thương mại điện tử

Năm 2022, thegioididong.com dẫn đầu lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam với tổng doanh thu 598,3 triệu USD. Theo sát là fptshop.com.vn và hoanghamobile.com với doanh thu lần lượt là 298,8 triệu USD và 293,4 triệu USD.

Theo một khảo sát gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xã hội tại Việt Nam cũng đang có đà phát triển mạnh.

Thương mại điện tử xã hội là một phân khúc trong ngành thương mại điện tử tích hợp truyền thông xã hội và nền tảng trực tuyến để thúc đẩy người dùng tương tác mua sắm các sản phẩm và dịch vụ. Vào năm 2021, lĩnh vực này chiếm 65% trong nền kinh tế bán lẻ trực tuyến trị giá 22 tỷ USD của Việt Nam.

Có 5 nền tảng chính trong phân khúc này. Đầu tiên là Shopee, một trong những nền tảng thương mại điện tử xã hội hàng đầu tại Việt Nam với nhiều phân nhánh nhỏ như Shopee Food cung cấp đồ ăn, nước uống, Shopee cung cấp đa dạng hàng hóa và ví điện tử Shopee Pay phục vụ đầy đủ các nhu cầu thanh toán.

Tiếp theo là Tiki, một nền tảng thương mại điện tử xã hội nổi bật khác của Việt Nam, Tiki cung cấp nhiều loại sản phẩm, bao gồm điện tử, thời trang, làm đẹp và đồ gia dụng. Tiki tích hợp mạng xã hội và đánh giá của người dùng để nâng cao trải nghiệm mua sắm và tạo niềm tin cho khách hàng.

Đứng thứ 3 là Sendo, trang thương mại điện tử xã hội phổ biến kết nối người bán và người mua tại Việt Nam. Sendo tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm mua sắm trên mạng xã hội bằng cách kết hợp nội dung do người dùng sáng tạo ra cùng các tính năng chia sẻ trên mạng xã hội để gia tăng lượt tương tác.

Một tên tuổi nữa là Lazada. Tuy là nền tảng thương mại điện tử truyền thống nhưng Lazada đang dần phát triển các tính năng tương tác, truyền thông xã hội để nâng cao trải nghiệm mua sắm. Giờ đây, Lazada đang cho phép người dùng chia sẻ và đánh giá sản phẩm, từ đó xây dựng một cộng đồng xã hội trong nền tảng của mình.

Tên tuổi cuối cùng là Leflair - chuyên cung cấp các sản phẩm giảm giá của nhiều thương hiệu cao cấp. Leflair thu hút những khách hàng tìm kiếm sản phẩm chất lượng với mức giá phải chăng. Nền tảng này đang tận dụng truyền thông xã hội và giới thiệu của người dùng để thúc đẩy cộng đồng những người mua sắm đang tìm kiếm các sản phẩm độc đáo với ưu đãi lớn.

Sở thích của người tiêu dùng Việt Nam trong ngành thương mại điện tử

Vietnam-Briefing đánh giá người tiêu dùng Việt Nam có một số ưu tiên riêng khi mua sắm trực tuyến. Đầu tiên, các thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại thông minh và máy tính xách tay, là những sản phẩm được người dùng Việt Nam tìm kiếm hàng đầu. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại sản phẩm này có thể là do sự phụ thuộc ngày càng tăng vào công nghệ cho các mục đích liên lạc, làm việc và giải trí.

Thực phẩm và mỹ phẩm cũng chiếm thị phần đáng kể trên thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao sự tiện lợi khi mua sắm trực tuyến các mặt hàng tạp hóa và chăm sóc cá nhân khi giúp họ tiết kiệm thời gian và có nhiều lựa chọn sản phẩm.

Các sản phẩm gia dụng và phong cách sống như đồ nội thất, trang trí nhà cửa, dụng cụ nhà bếp và phụ kiện thời trang cũng rất phổ biến. Sự tiện lợi của việc tìm thấy đa dạng sản phẩm, cùng với giá cả cạnh tranh đã khiến các nền tảng thương mại điện tử trở thành điểm đến hấp dẫn cho người tiêu dùng đang tìm cách cải thiện ngôi nhà và lối sống của họ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ