• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 5: Nâng cao "sức đề kháng" trong nhận thức người sử dụng TikTok

Văn hoá 15/04/2023 09:29

(Tổ Quốc) - Cùng với các nền tảng mạng xã hội khác, TikTok góp phần mang đến cho con người những lợi ích không hề nhỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng cũng ẩn chứa những mặt trái tạo nên những nguy cơ biến đổi văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử nói riêng mà giới nghiên cứu, cơ quan quản lý, hoạch định chính sách và mỗi người cần quan tâm.

Tốc độ phát triển chưa song hành với trách nhiệm

Theo phân tích của The Guardian, dù ra đời sau nhưng TikTok tăng trưởng vượt trội so với các "đàn anh" như Facebook, YouTube, Instagram... Chỉ sau 4 năm ra mắt trên toàn cầu, nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc này đã thu hút hơn 2 tỷ người dùng. Từ xuất phát điểm là một nền tảng video ngắn, TikTok trở thành đại diện nổi bật của văn hóa đại chúng và góp phần tạo nên một cộng đồng người dùng đa dạng từ sắc tộc, màu da, giới tính. TikTok hiện có mặt trên 154 quốc gia với hơn 75 ngôn ngữ. Tại Việt Nam, tính đến tháng 2/2023, có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok, đứng thứ 6 trên toàn cầu và đứng thứ nhất tại Đông Nam Á.

Nâng cao "sức đề kháng" trong nhận thức người sử dụng TikTok - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, tính đến tháng 2/2023, có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt về lượng người dùng không đi cùng sự kiểm soát nội dung đã khiến cho nền tảng này đang có nguy cơ trở thành "rác văn hóa". Nguy cơ này càng đáng báo động vì nội dung của TikTok đề cập đến mọi mặt của xã hội. Đáng lo ngại hơn, nhiều clip của mạng xã hội này ngắn gọn, dễ thực hiện theo, thậm chí không cần ngôn ngữ. Vì thế nó vượt mọi khoảng cách ngôn ngữ mà đến được với số đông giới trẻ, dễ bị cám dỗ, dễ học theo vì chưa có sức "đề kháng" với văn hóa độc hại. Trên nền tảng này, không ít tài khoản với những clip hành vi nông nổi, phản văn hóa mà vẫn thu hút hàng triệu người theo dõi với gần chục triệu lượt thích, lượt xem.

Một trong những nội dung đáng lên án nhất là những clip phản cảm khoe thân của giới trẻ. Như một trào lưu mới, nhiều người trẻ bất chấp thuần phong mỹ tục, không ngại cởi đồ khoe thân, thậm chí nhiều người còn kèm theo những lời mời khiêu dâm, kích dục chẳng khác gì rao bán dâm trên mạng!. Nếu không dẹp và định hướng cho giới trẻ thì e rằng sự xuất hiện dày đặc của những hành vi thiếu văn hóa sẽ trở thành quen mắt, "bình thường".

Dạng clip nữa khá phổ biến ở TikTok là những clip chế, nhại lại một nội dung nào đó, có thể là âm nhạc, đoạn trích phim, hình ảnh người nổi tiếng… vô cùng cợt nhả, không thể chấp nhận. Từ một nội dung đứng đắn, nghiêm túc, có giá trị bỗng chốc trở thành quái đản, dị hợm cốt chỉ để gây sốc, gây tò mò.

Ngoài ra, không ít chủ kênh TikTok sử dụng những câu nói lái, bậy bạ, văng tục, chửi bậy, đi ngược lại với lẽ sống tốt đẹp. Chẳng hạn nếu bài thi văn đạt điểm 8 thì ra tát lớp trưởng. Những nội dung công kích, miệt thị vùng miền … được các chủ TikTok ngang nhiên bất chấp khai thác triệt để, là thứ rác đã và đang ngập ngụa trên Tik Tok.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đánh giá: Từ năm 2019, TikTok có sự phát triển rất mạnh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh lại chưa đi đôi với trách nhiệm để giữ gìn, quản lý nền tảng lành mạnh, an toàn với người dùng.

Trước đây, TikTok chủ yếu mang nội dung thuần túy giải trí nhưng từ năm 2022 trở lại đây bắt đầu xuất hiện nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng về chính trị. Cùng với đó là các nội dung độc hại, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Cơ quan chức năng đã tổng hợp thành sáu nhóm sai phạm lớn của TikTok.

Đánh giá của Bộ TT&TT, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn xã hội. TikTok đang khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, gây lệch lạc nhận thức, lối sống, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc; khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tràn lan các nội dung vi phạm bản quyền.

Nâng cao "sức đề kháng" trong nhận thức người sử dụng TikTok - Ảnh 2.

Những nội dung nhảm nhí, xấu độc xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Mặc dù thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, YouTube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Đồng thời, Bộ đã phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm. Tuy nhiên với các nền tảng mạng xã hội sử dụng thuật toán như TikTok đang "lách" để bộ công cụ không thể tự động rà quét, phát hiện vi phạm khiến công tác xử lý vi phạm trên TikTok gặp khó khăn.

Trước tình trạng vi phạm tràn lan của TikTok và những hệ lụy nghiêm trọng mà nền tảng mạng xã hội này đang gây ra, đặc biệt là với giới trẻ, cùng với tốc độ phát triển mạnh nhưng không song hành cùng trách nhiệm, Bộ TT&TT sẽ triển khai đồng loạt những biện pháp mạnh để chấn chỉnh. Trong đó, vào cuối tháng 5/2023, Bộ TT&TT sẽ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra TikTok với sự tham gia của 7 bộ, cơ quan ngang bộ gồm Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Việc quản lý TikTok như thế nào, sau khi kiểm tra toàn diện, cùng với các bộ ban ngành, sẽ có những đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, Bộ TT&TT khẳng định, nguyên tắc nhất quán của Bộ là tất cả các nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu không tuân thủ sẽ không được tạo điều kiện hoạt động ở Việt Nam.

Nâng cao "sức đề kháng" trong nhận thức

Luật An ninh mạng được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ tháng 1/2019. Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, có hiệu lực từ tháng 6/2021. Quy phạm pháp luật đã có, những vi phạm hoàn toàn có cơ sở để xử lý. Tuy nhiên, vì sao việc xử lý vi phạm trên không gian mạng nói chung và TikTok nói riêng vẫn còn nhiều lúng túng?

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng phải thừa nhận, chúng ta đang có một số lúng túng nhất định trong xử lý hành vi vi phạm trên không gian mạng. Đây là một thực trạng không phải chỉ riêng Việt Nam mà cả các nước trên thế giới cũng đang gặp phải.

"Việt Nam hiện đã có Luật An ninh mạng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác; các nền tảng đều đưa ra tiêu chuẩn cộng đồng nhưng công tác triển khai vẫn gặp một số khó khăn. Vấn đề ở đây là những văn bản, tiêu chuẩn này luôn phải được cập nhật, bổ sung để bao quát hơn những vấn đề của cuộc sống. Nếu luật pháp không bao quát được những hành vi vi phạm, chế tài quá nhẹ thì sẽ dẫn đến luật bị vô hiệu hóa hoặc nhờn luật. Điều này vô cùng tai hại khi cái xấu được phép tồn tại và tạo môi trường để làm cho nhiều cái xấu khác nảy sinh.

Do đó để không xảy ra những hành vi vi phạm, phải dùng đến công cụ pháp luật can thiệp thì trước nhất vẫn là câu chuyện về giáo dục nhận thức. Gia đình, nhà trường và bản thân lớp trẻ cần có giải pháp để nâng cao "sức đề kháng" trong nhận thức. Nếu không, những video có nội dung xấu sẽ như một thứ "virus" độc hại, ăn sâu vào lối suy nghĩ của các em, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ, hành vi. Song song với đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển giải pháp công nghệ để "dẹp loạn". Nếu cần thiết, chúng ta phải xử nghiêm một vài vụ để làm "án điểm", trả lại sự trong sạch cho môi trường văn hóa trên mạng xã hội", PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất.

Nâng cao "sức đề kháng" trong nhận thức người sử dụng TikTok - Ảnh 3.

Kết nối văn mình, sáng tạo an toàn cùng TikTok

Thực tế thời gian qua cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ TT&TT nên đã hạn chế được nhiều tài liệu xấu độc từng được lưu truyền trên mạng xã hội. Các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter hay YouTube cũng đã thể hiện thái độ đồng tình, ủng hộ khi chấp hành đầy đủ việc gỡ bỏ những thông tin bịa đặt, xấu độc.

Từ một thế giới ảo thuần túy tồn tại song hành và tách biệt, mạng xã hội đang biến đổi rất nhanh, trở thành phương tiện tác động ngày càng trực tiếp, sâu và nhanh vào mọi mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh rất nhiều lợi ích vượt trội, sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội cũng kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó, văn hóa ứng xử trên không gian mạng đang là mối quan tâm lớn. Việc xây dựng văn hóa phải xuất phát từ hai phía, từ cơ quan quản lý nhà nước và từ mỗi người dân, gia đình và nhà trường.

Vì vậy, để "dẹp rác" TikTok nói riêng và mạng xã hội nói chung một cách hiệu quả, cần nâng cao ý thức, rèn luyện hành vi đạo đức, làm cơ sở cho xác định thái độ, hành vi ứng xử văn hóa trên mạng xã hội.

Ý thức, hành vi đạo đức, hành vi ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội là thái độ tôn trọng người khác, biết lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan và tế nhị, tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp, không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác.

Thế giới ảo nhưng trách nhiệm là thật. Vì vậy, cần suy nghĩ kỹ về những gì nói và đăng trên mạng, có trách nhiệm với lời nói, hành vi. Tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không nên đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý. Đưa hình ảnh phù hợp lên mạng, không đưa những hình ảnh hở hang, mang tính khiêu dâm hoặc bạo lực, ảnh selfie diễn ra ở những nơi không phù hợp... Có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa ứng xử của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, giúp mỗi người hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng xã hội. Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ người dùng hợp pháp trên không gian mạng; Luật quy định rõ những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử như: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…

Luật không xâm phạm đến quyền con người, không cản trở tự do ngôn luận, không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của cá nhân, tổ chức như những thông tin trên mạng xã hội, blog, web phản động tuyên truyền, xuyên tạc. Thực hiện đúng Luật nghĩa là bảo vệ chính mình, người thân và gia đình, đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh mạng quốc gia. Cùng với đó là phổ biến rộng rãi Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Mặc dù việc điều chỉnh hành vi và xử lý những vi phạm của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng đã được quy định cụ thể trong Luật An ninh mạng 2018, tuy nhiên, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vẫn rất cần thiết, bởi quy tắc ứng xử không đưa ra chế tài xử lý như luật, chỉ đưa ra những chuẩn mực thái độ, hành vi ứng xử, có tác dụng định hướng, điều chỉnh, khuyến khích hoặc khuyến cáo, cảnh báo, nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế tác động tiêu cực, nâng cao văn hóa ứng xử cho người dùng mạng xã hội. Một giải pháp quan trọng là phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh. Phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức, cơ quan, nhà trường và gia đình trong xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Ngoài ra, cần sử dụng các giải pháp về công nghệ hỗ trợ cho xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ