• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

94 năm Ngày thành lập Đảng: Vị thế, cơ đồ đất nước ngày càng được khẳng định

Thời sự 03/02/2024 07:25

(Tổ Quốc) - PGS.TS. Lê Quốc Lý cho rằng, 94 năm kể từ khi thành lập Đảng và đặc biệt sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã có những thay đổi và phát triển mạnh mẽ, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Khẳng định vị thế, cơ đồ đất nước

Theo PGS.TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và trong các phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đó là điều hoàn toàn đúng đắn.

Nhìn lại lịch sử, trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, đất nước ta đã trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn, đói khổ đến cùng cực khi có đến gần 2 triệu người chết đói. Bởi vậy, ngay khi Đảng ta giành được chính quyền, Bác Hồ đã đặt ra mục tiêu phải "diệt giặc đói, giặc dốt", nhà nhà tăng gia sản xuất.

Tiếp đó, chúng ta liên tiếp trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tuy thành công giành lại được độc lập nhưng những cuộc chiến kéo dài cũng khiến đất nước kiệt quệ và đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chính vì vậy, từ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta đã đặt ra yêu cầu phải tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

94 năm Ngày thành lập Đảng: Vị thế, cơ đồ đất nước ngày càng được khẳng định - Ảnh 1.

Pano mừng 94 năm thành lập Đảng quang vinh, mừng năm mới Giáp Thìn 2024 tại Hà Nội - Ảnh: Văn Trọng/KTĐT

Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, bộ mặt đất nước đã thay đổi rất nhiều. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế đã phát triển, tăng trưởng liên tục và có sự lớn mạnh.

Nếu như năm 1990, GDP bình quân đầu người nước ta chưa tới 100 USD thì đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 4.300 USD, quy mô GDP đạt khoảng 430 tỷ USD, nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Năm 1990 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chưa tới 1 tỷ USD thì đến năm 2023, con số này đã lên đến 355 tỷ USD. Tỷ lệ đói nghèo năm 1993 là 58% thì ngày nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3% (và là tỷ lệ theo chuẩn mới với tiêu chí cao hơn trước). Về dân trí, đến nay, chúng ta cơ bản  giải quyết xong nạn mù chữ.

"Đặc biệt, nhiều chuyên gia trên thế giới đánh giá GDP theo sức mua tương đường (CGP PPP) của chúng ta đạt khoảng 11.000 USD. Các chuyên gia cho rằng tuy thu nhập bình quân đầu người của chúng ta chưa cao nhưng đời sống của ta dễ dàng với chi phí rẻ hơn", PGS.TS. Lê Quốc Lý nói.

Bên cạnh đó, hạ tầng đô thị của chúng ta đã phát triển, nhiều vùng nông thôn cũng "thay da đổi thịt", không còn là vùng nông thôn nghèo đói như trước đây mà đã phát triển hơn rất nhiều.

Về đối ngoại, chúng ta đã có nhiều thành công. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước, gồm 3 nước lớn là Mỹ, Nga và Trung Quốc…

PGS.TS. Lê Quốc Lý nhấn mạnh, những con số trên cho thấy bộ mặt đất nước đã thay đổi hoàn toàn. Tuy chúng ta chưa phải nước giàu nhưng so với trước đây đã có sự thay đổi rất lớn. Bước sang năm 2024, nền kinh tế của chúng ta tiếp tục trên đà phát triển và theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2024 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt trên 6%.

Đặc biệt, từ Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta đã đặt mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số và đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Những điều đó khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Tuy vậy, theo PGS.TS. Lê Quốc Lý, bên cạnh những thành công to lớn có ý nghĩa lịch sử đó, cũng phải thừa nhận, chúng ta vẫn chưa đã đạt được mọi thứ như mong muốn, nhất là so với thế giới, vẫn còn nhiều mặt tụt hậu mà chúng ta cần phải khắc phục.

Đất nước vẫn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa nếu chúng ta lọai bỏ được tham nhũng, tiêu cực, và những loại tội phạm trong nền kinh tế.

Phòng chống tham nhũng là mệnh lệnh sống còn

Phân tích thêm về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta, PGS.TS. Lê Quốc Lý cho rằng, trong lịch sử 94 năm hình thành và phát triển, Đảng luôn coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, trong "Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguy cơ mà đội ngũ cán bộ, đảng viên của Ðảng mắc phải như: Làm việc trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo...

Theo PGS.TS. Lê Quốc Lý, Người đã dự báo và cảnh báo những nguy cơ mà đội ngũ cán bộ, đảng cầm quyền nếu không kiên quyết khắc phục, sửa chữa sẽ dễ dàng mắc phải. Ðồng thời, Người cũng nhiều lần đề cập đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đó là "giặc ở trong lòng", "giặc nội xâm".

94 năm Ngày thành lập Đảng: Vị thế, cơ đồ đất nước ngày càng được khẳng định - Ảnh 2.

PGS.TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: VOV

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tham ô, lãng phí và quan liêu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và đều có chung một nguồn gốc sinh ra là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, để phòng chống có hiệu quả, không chỉ sử dụng pháp luật nghiêm minh mà còn cần phải "nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Quan điểm này đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thực hiện nghiêm túc từ những ngày đầu thành lập.

PGS.TS. Lê Quốc Lý cho rằng, thời điểm này, những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đến các đảng viên, nhất là những đảng viên có chức vụ là không hề nhỏ thì công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lại càng được chú trọng.

Phòng, chống tham nhũng được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là mệnh lệnh sống còn của Đảng. Thực tế, những năm qua, Đảng ta đã không ngừng đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng và đạt được những kết quả nổi bật. 

Đặc biệt, từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã được nâng tầm, mục tiêu được thực hiện rất thành công.

Với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", không loại trừ một ai, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý, thời gian qua, không ít những ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị cũng bị kỷ luật, thậm chí là khởi tố, bắt giam vì những sai phạm trong quản lý, tham ô, tham nhũng.

"Đây là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự thực chất trong phòng, chống tham nhũng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế, phong trào không ngừng nghỉ, là niềm tin của nhân dân, đòi hỏi của cuộc sống", PGS.TS. Lê Quốc Lý nói./.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ